Tế nghĩa là nhỏ, Tân là vị cay, Tế Tân là vị thuốc rất nhỏ, mùi thơm vị cay nồng có tác dụng trừ phong hàn rất mạnh, chuyên trị các chứng đau đầu, đau mỏi do cảm nhiễm phong hàn.
1. Tên gọi: Tế Tân, Tế Thảo, Thiểu Tân, Độc diệp thảo, 细辛,…
2. Tên khoa học: Asarum heterotropoides F.Schmidt họ Aristolochiaceae
3. Mô tả: Tế tân thuộc dòng cây cỏ, kích thước nhỏ, thấp chỉ khoảng 12-24cm. Thân rễ bò ngang dưới mặt đất, phân nhánh ở đầu thân rễ. Lượng rễ nhiều, rễ chùm,nhỏ có mùi thơm đặc trưng. Không có thân trên mặt đất, lá mọc từ rễ chỉ 2-3 lá một cây, cuống lá dài 5-18cm. Lá hình tim, đầu lá nhọn, mép nguyên, không xẻ rãnh răng cưa. Mặt trên lá nhẵn hoặc có lông mịn, nhưng mắt dưới lại phủ lông dài. Hoa mọc từ rễ, chỉ có một hoa, cuống hoa dài 3- 5cm. Hoa chỉ gồm 1 vòng màu nâu đỏ nhạt, phía trên có 3 cánh hoa hình elip dài 10mm, nhọn ở đầu. Quả tròn, mọng.
4. Phân bố và thu hái
Chủ yếu ở Trung Quốc: Cát Lâm, Hắc Long Giang, Triết Giang, An Huy, Liêu Ninh, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Giang Tây, Cam Túc, Thiểm Tây…
Cây Tế tân được thu hái vào đầu mùa hạ và đầu mùa thu
5. Bào chế và Bảo quản
Cây tươi đào cả rễ, rửa sạch đất, phơi âm can kịp thời. Kkhông nên phơi khô, chớ dùng nước rửa, nếu không khí thơm sẽ giáng thấp, lá biến vàng, rễ biến đen mà ảnh hưởng tới chất lượng.
Bảo quản thông gió khô ráo, phòng ngừa mốc rữa.
6. Thành phần hóa học
Trong Tế tân có tinh dầu 2,750%, thành phần chủ yếu là Pinen, metyl – eugenola, hợp chất phenola, một hợp chất xeton, một lượng nhỏ acid hữu cơ, nhựa.
7. Tác dụng dược lý
Giải nhiệt: Thực nghiệm trên động vật chứng minh thuốc có tác dụng hạ nhiệt.
Kháng khuẩn: Cồn chiết Tế tân in- vitro đối với vi khuẩn Gram dương và trực khuẩn thương hàn có tác dụng kháng khuẩn rõ rệt.
Giảm đau: thuốc có tác dụng gây tê tại chỗ.
8. Tế tân trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị cay, tính ấm, không độc, nổi mà thăng lên, là thuốc âm trong dương
Quy kinh: Thủ thiếu âm Tâm, Thủ thái âm Phế và Túc thái âm Thận.
Công năng: phát hãn, tán hàn, trấn thống, khu đàm, chỉ khái.
Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, đau răng, đau khớp, ho có đàm,…
Hợp dụng:
- Sợ Hoàng kỳ, ghét Hoạt thạch, phản Lê lô, dùng Độc hoạt làm sứ.
- Dùng với Độc hoạt thì chữa đau đầu do bản kinh hay như thần,
- Dùng với Thạch quyết minh, mật cá trắm, mật dê đực thì chữa được chứng đau mắt phong chảy nước mắt
- Dùng với Xuyên khung, Đương quy, Bạch chỉ, Đơn bì, Cáo bản, Cam thảo thì chữa đàn bà huyết uất.
Kiêng kỵ: nhức đầu do huyết hư; người âm hư hỏa vượng;
Lưu ý:
- Người khí huyết kém nên dùng lượng ít
- Người có bệnh về thận nên cẩn trọng.
- Quá liều gây cảm giác tê bì, tức ngực.
Liều lượng: 2-8g
9. Ứng dụng lâm sàng
Tế tân dùng tươi trị ho tức, nhức đầu (thiên đầu thống), tê nhức khớp xương, đau răng (dùng tươi)
Đau đầu do phong hàn: Dùng tế tân với xuyên khung trong bài Xuyên Khung Trà Điều Tán: Xuyên khung 8g; Bạc hà 20 – 32g; Tế tân 4 – 6g; Cam thảo 4 – 6g; Khương hoạt 6 – 8g; Phòng phong 6 – 8g; Kinh giới 8 – 16g; Bạch chỉ 8 – 12g
Đau răng
- Do phong hàn: Dùng tế tân với bạch chỉ
- Do Vị nhiệt: Dùng tế tân, thạch cao và hoàng cầm.
Đau khớp do phong hàn thấp ngưng trệ: Độc hoạt tang ký sinh thang: Độc hoạt 8 gam, tang ký sinh 12 gam, tần giao 12 gam, phòng phong 8 gam, tế tân 4 gam, đương qui 12 gam, bạch thược 12 gam, xuyên khung 6 gam, sinh địa 12 gam, đỗ trọng 12 gam, ngưu tất 8 gam, nhân sâm 4 gam, phục linh 12 gam, nhục quế 4 gam, cam thảo 4 gam. Cảm phong hàn biểu hiện như nghiến răng, sốt, đau đầu
Đau toàn thân: Dùng tế tân với Khương hoạt, phòng phong trong bài Cửu Vị Khương Hoạt Thang: Khương hoạt 6g; Phòng phong 6g; Xuyên khung 4g; Sinh địa 4g; Cam thảo 4g; Thương truật 6g; Tế tân 2g; Bạch chỉ 4g; Hoàng cầm 4g
Hen và ho có đờm nhiều, đờm lỏng do lạnh xâm nhập phế biểu hiện như: Dùng tế tân với Ma hoàng và can khương trong bài Tiểu Thanh Long Thang.
Sổ mũi, chảy nước mũi nhiều, xung huyết mũi và đau đầu: Dùng tế tân với Bạch chỉ, Tân di và Bạc hà.
Trị chứng ngoại cảm phong hàn: Đau đầu, nghẹt mũi, thường phối hợp với Phòng phong, Kinh giới hoặc Quế chi, Sinh khương hoặc dùng bài: ma hoàng phụ tử tế tân thang gồm: Ma hoàng 4g, Phụ tử 8g, Tế tân 4g, sắc uống trị người bệnh vốn dương hư mắc chứng ngoại cảm phong hàn.
Trị các chứng đau đầu đầu phong thống), đau răng (do thần kinh), đau khớp (do phong thấp). Trị chứng đau răng gặp lạnh đau nhiều dùng bài Định Thống Tán gồm: Tế tân 4g, Xuyên ô 2g, Nhũ hương 4g, Bạch chỉ 4g, tán bột mịn mỗi lần 1 -2g rắc vào chỗ đau ngày 3 – 4 lần. Trường hợp đau răng kèm sưng đỏ, dùng bài: Tế tân 4g, Thạch cao sống 40g sắc uống. Trị đau nhức các khớp do phong thấp dùng bài: Tế tân 4g, xuyên khung 12g, tần giao 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.
Trị ho nhiều đờm loãng: trong các bệnh viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản dùng bài Linh Cam Ngũ Vị Khương Tân Thang Gồm: Phục linh 12g, Cam thảo 4g, Tế tân 4g, Can khương 6g, Ngũ vị tử 4g sắc uống.
Lở mồm miệng dùng Tế tân và hoàng liên, lượng bằng nhau tán bột mịn bôi vào chỗ lở, Hôi miệng ngậm Tế tân để chữa. Dùng quá liều có thể gây tê ở họng, lưỡi và gây tức ngực.