Chung nhũ thạch là loại đá phổ biến trên trái đất, có tác dụng rất lớn trong điều trị các chứng thận hư, phế suyễn.
Tên khác: Thạch nhũ, Thạch duẩn, Măng đá, Nhũ đá, 碳酸钙,钟乳石。
Tên khoa học: Stalactide, Speleothem.
Mô tả: Chung nhũ thạch là Nhũ đá được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua nhiều thế kỷ, là khoáng vật treo trên trần hay tường của các hang động, thường có hình nón hoặc hình trụ tròn. Bề mặt lồi lõm, màu xám đất, trắng xám hoặc vàng nâu. Thể nặn, chất cứng. Tinh thể hình rẻ quạt xếp thành nhiều tầng vòng tròn. Tinh thể thường sáng bóng, không mùi, vị hơi mặn.
Bộ phận dùng: Khai thác quanh năm, lấy về rửa sạch, để dùng.
Nơi sản xuất: Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quí Châu, Vân Nam, Thiểm Tây, Cam Túc, Sơn Tây. Thường ở trong nham động nham thạch.
Thành phần hoá học chính: Calci carbonat, các chất khoáng.
Tính Vị: ngọt, ôn.
Quy kinh: kinh phế, vị, thận.
Công năng: Ôn chế tráng dương, thông sữa,
Chủ trị: Dùng khi hàn đàm họ suyễn, âm hư, lạnh, lưng lạnh đau, sau đẻ sữa không thông, đau dạ dày ợ chua. Ôn thận, tráng dương, tán hàn, chỉ thống. Trị hạ tiêu hư hàn.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10 – 15g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng.
Ứng dụng:
Chữa đau vùng rốn, đau bụng, tay chân lạnh: Chung nhũ thạch 40g, Dương khởi thạch (chưng rượu) 40g, Lưu hoàng 20g, Muối tinh 20g, Phụ tử 60g, Quế 20g, Tiêu thạch 0,4g. Tất cả Tán bột. Trộn với nước cháo, làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn mỗi lần uống 30 viên với nước sắc gừng và muối. Uống lúc đói.
Chữa phong thấp, giảm đau, phong hàn đau nhức: Chung nhũ thạch, Can khương, Đan sâm, Đỗ trọng, Đương quy, Hoàng kỳ, Ngưu tất, Nhục quế, Phòng Phong, Phụ tử, Sơn thù, Tần cửu, Thạch hộc, Thiên môn, Xuyên khung, Ý dĩ nhân. Các vị lượng bằng nhau, ngâm rượu uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén con (30ml).
Bổ thận, cường yêu, tráng cốt. Trị thận bị hư tổn, xương yếu, đứng ngồi không có sức, hụt hơi, lưng và cột sống đau: Hoàng kỳ; Ngũ vị tử (sao); Ô đầu (nướng, bỏ vỏ, núm); Thạch chung nhũ; Thỏ ty tử (tẩy rượu); Tục đoạn; Tỳ giải; Xà sàng tử (sấy khô). Đều 30g. Tán bột, trộn với rượu hồ làm viên. Ngày uống 16 – 20g với rượu.
Lưu ý:
Vị Chung nhũ thạch sau khi hóa phi và tán bột gọi là Chung nhũ phấn. Chung nhũ phấn có tính cam ôn, quy kinh phế, thận. Có công năng ôn phế, ấm thận, ích tinh, cố tinh, dùng trị các chứng hen, suyễn, di tinh, hoạt tinh.
Chung nhũ thạch và Phá cố chỉ đều có công dụng với chứng suyễn do thận hư. Thạch chung nhũ dùng trong trường hợp suyễn nặng mà vẫn cần bổ thận dương. Phá cố mạnh về ôn thận, nạp khí nhưng không giáng khí; Chữa người bị thận dương hư ở vùng hạ tiêu mà suyễn thở không.
Ngày nay vị thuốc này có ba loại: Chung nhũ thạch, Nga quản thạch, Dích nhũ thạch, công hiệu đại loại giống nhau: Nga quản thạch, sắc vàng trắng hiệu lực nạp khí rất mạnh, cho nên người bị khí nghịch lên thì dùng nhiều. Đích nhũ thạch sắc nhuận trắng, ống dài, trong thuốc lên da non của ngoại khoa dùng nhiều vị thuốc này. Còn về Chung nhũ thạch, màu xám trắng kết thành cục thì dùng để ôn thận tráng dương.