Lý Trung Thang

  Bài thuốc

Thành phần

Nhân sâm 12g

Can khương 12g

Bạch truật 12g

Chích cam thảo 12g

Cách dùng: Sắc uống hoặc luyện mật làm hoàn, mỗi ngày dùng hoàn 12g

Hình ảnh Lý trung thang
Lý trung thang

Công dụng: Ôn trung kiện tỳ

Chủ trị: Trung tiêu hư hàn, ỉa lỏng, không khát, nôn mửa đau bụng, không muốn ăn uống, thổ tả… Dương hư mất huyết, trẻ nhỏ mạn kinh sau bệnh thích nhổ nước bọt và ngực đau tức do trung tiêu hư hàn mà ra.

Ứng dụng lâm sàng: Ngày nay thường dùng để điều trị bệnh loét đường tiêu hoá, viêm dạ dày, xuất huyết đường tiêu hoá, viêm gan mạn tính, viêm khí quản mạn tính, bệnh tim phổi.

Phân tích: Phương thuốc này lấy Can khương tân nhiệt làm quân để ôn trung tiêu mà khu lý hàn. Nhân sâm đại bổ nguyên khí, giúp sự thăng giáng vận hoá làm thần. Bạch truật kiện tỳ táo thấp, Chích cam thảo ích khí hoà trung, đều là tá, sứ. Bốn vị thuốc này phối hợp có được cái tân nhiệt mà khử lạnh ở trung tiêu, có cái cam ôn mà phục được trung tiêu hư, thanh dương thì thăng mà trọc âm thì giáng, củng cố được sự vận hoá mà trị được trung tiêu, cho nên gọi là “lý trung”.

Gia giảm:

  1. Trường hợp tiêu chảy nhiều lần, Bạch truật sao khử thổ để tăng tác dụng sáp tràng chỉ tả.
  2. Trường hợp hư hàn nặng, sắc mặt tái nhợt, chân tay lạnh gia Thục Phụ tử để tăng cường ôn dương khứ hàn, có tên gọi là bài Phụ tử Lý trung thang ( Hòa tể cục phương) hoặc gia Nhục quế gọi là bài Phụ quế lý trung hoàn.
  3. Trường hợp kiết lî mạn tính thuộc thể tỳ vị hư hàn dùng bài thuốc gia Hương liên hoàn để lý khí hóa trệ.
  4. Trường hợp viêm ruột mạn tính, rối loạn tiêu hóa, viêm lóet dạ dày tá tràng, thuộc thể tỳ vị hư hàn có thể dùng bài thuốc này gia giảm.
  5. Trường hợp bệnh lóet dạ dày tá tràng, phân có máu và phụ nữ xuất huyết tử cung cơ năng thuộc thể tỳ vị hư hàn dùng bài thuốc này gia A giao, Ngãi diệp, Địa du, Hoa hòe để tăng thêm tác dụng chỉ huyết.
  6. Trường hợp chứng tỳ vị hư hàn do sán lãi đau bụng hoặc nôn ra lãi đũa dùng bài thuốc gia thêm Hồ tiêu, Ô mai, Phục linh bỏ Cam thảo gọi là bài Lý trung an hồi thang ( Vạn bệnh hồi xuân).
  7. Trường hợp tỳ vị dương hư, tỳ vị kém vận hóa sinh ra đàm thấp ảnh hưởng đến phế gây ho đờm nhiều, loãng hoặc nôn ra nước trong, có thể gia Chế bán hạ, Bạch linh để táo thấp hóa đờm gọi là bài Lý trung hóa đàm hoàn thêm Tô tử có tác dụng giáng khí, định suyễn gọi là bài Lý trung giáng đàm hoàn dùng trị đàm suyễn.
  8. Trường hợp ợ hơi do hư hàn gia thêm Đinh hương, Bạch khấu nhân gọi là bài Đinh khấu lý trung hoàn.
  9. Nếu hàn chứng rõ dùng tăng lượng Can khương, tỳ hư rõ tăng lượng Đảng sâm.