Mạch nha dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách ” Dược tính bản thảo” là hạt lúa mạch lên mầm được bào chế để thành thuốc. Mạch nha thường dùng cho các trường hợp ăn uống không tiêu, hay nhiều sữa quá gây tức,…
1. Tên gọi: Mạch nha còn gọi là Lúa mạch, Mầm lúa, Mầm mạch.
2. Tên khoa học: Hordeum Vulgare L thuộc họ Lúa (Gramineae).
3. Mô tả
Mạch nha là hạt của cây lúa mạch được cho mọc mầm rồi phơi sấy nhẹ đến khô.
4. Phân bố và thu hoạch
Việt Nam có nhưng không nhiều phân bố rải rác tác khu vực vùng vùng đồi núi phía Bắc và miền Trung.
Chủ yếu là nhập từ Trung Quốc.
Thu hoạch vào tháng 9, tháng 10 lấy hạt.
5. Bào chế và bảo quản
Mạch nha có 3 dạng được sử dụng làm thuốc
- Sinh mạch nha: Hạt lúa mì cho lên mần rồi sấy đến khô
- Sao Mạch nha: Hạt sinh mạch nha sao vàng
- Tiêu Mạch nha: Sinh mạch nha sao đen.
Bảo quản nơi khô ráo, tránh độ ẩm cao và chuột, mọt.
6. Thành phần hóa học
Thành phần chính của Mạch nha là tinh bột, ngoài ra còn có các thành phần khác: protein, lipid, vitamin, chất khoáng. Trong hạt đại mạch nẩy mầm thì giàu các enzym. Dưới tác dụng của enzym, tinh bột chuyển thành dextrin và maltose, saccharose thì chuyển thành đường nghịch đảo, protein chuyển thành pepton, polypeptid thành amino acid. Do đó mạch nha là thức ăn rất dễ tiêu cho người ốm và trẻ em. Trong mầm hạt đại mạch có chứa một lượng nhỏ alcaloid (0,1-0,5%) gồm 2 chất: hordenin và gramin.
7. Tác dụng dược lý
Hordenin có tác dụng giống giao cảm nhẹ, hơi làm tăng huyết áp, cường tim, ít độc, có tác dụng ức chế sự co bóp ruột. Hordenin cũng được dùng chữa đi ngoài, liều 0,25-1g.
Do có các enzym nên mạch nha có tác dụng giúp tiêu hóa, dùng để chữa các trường hợp ăn uống kém tiêu. Thuốc lợi sữa, ngoài ra còn chữa trẻ em đau bụng đi ngoài, lỵ, viêm ruột.
8. Mạch nha trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị mặn, ngọt; khí ôn không độc.
Quy kinh: Túc Dương Minh Vị, Túc Thái Âm Tỳ, Túc Quyết âm Can.
Công năng: tiêu thực hòa trung, cắt giảm sữa (hồi nhũ).
Chủ trị: thực tích đình trệ, rối loạn tiêu hóa, phụ nữ cắt sữa, vú sưng đau.
“Tiêu hóa thức ăn, tiêu đờm, chữa khí lạnh, trưng, hà, trướng đẩy ngực và cách mạc, hạ khí xuống khoan khoái trong ruột, huyết trệ ở thượng tiêu, trong bụng sôi như sấm, ngăn hoắc loạn, tiêu chất ăn cũ, khai vị, thật là thuốc nhạy bén để làm ấm trung tiêu. Vương Sử Cổ có nói: Hai vị Mạch nha và Thân khúc người mà khí của tỳ vị hư nên uống để giúp cho tỳ vị làm nát như thức ăn, là ý nghĩa theo loại của nó, dùng cốc loại để tiêu cốc, không có cái nạn nạo vét quá mạnh, chứng vị hư, đồ ăn tích trệ thì nên dùng, còn như cho là nó có tác dụng làm mạnh tỳ vị, uống lâu bổ ích cho người thì e rằng chưa phải vậy, vì, nếu chân hỏa ở trên và dưới không vượng thì đâu có công năng vận hành khỏe mạnh, không thể cậy tác dụng khắc tước của Mạch nha để thành công bố ích được.”
(Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng lãn ông Y Tâm lĩnh)
Hợp dụng: Đậu khấu, Sa nhân, Mộc qua, Ngũ vị làm sứ.
Chú ý:
- Sinh mạch nha: Kiện tỳ dưỡng vị.
- Mạch nha sao: hành khí tiêu tích
- Tiêu mạch nha: Chỉ huyết trừ tích
Kiêng kỵ: Có thai chớ dùng, sợ trụy thai, người thuộc hư cũng nên dùng ít là vì phòng ngừa nó làm tiêu mất thủy dịch của thận.
Liều lượng: 10 – 15g, sắc uống, liều cao có thể dùng đến 30 – 120g. Cắt giảm sữa cần dùng liều cao.
9. Ứng dụng lâm sàng
9.1. Thần diệt liệt tiên tán
Thành phần: mộc hương, trầm hương, hồi hương, binh lang, biển xúc, đại hoàng, mạch nha, cù mạch).
Chủ trị: chứng do uống rượu say ngộ độc mà phát sinh, vị quản bị đau, hung cách mãn muộn- bụng đau, trướng, ấu thổ tả lỵ, hoàng đản, nhiệt cổ, chữa mất sữa hoặc vú sữa uất tịch không cơ vú, bầu vú trướng đau.
9.2. Tiêu thực hoàn:
Thành phần: Hương phụ tử, Mạch nha, Nga truật, Sa nhân, Tam lăng, Thần khúc, Trần bì
Chủ trị: Thức ăn tích trệ, khó tiêu.
9.3. Bổ tỳ thang
Thành phần: Mạch nha 10g, Đảng sâm, Bạch linh, Bạch truật đều 10g, Thảo quả 6g, Cam thảo 3g, Can khương 3g, Hậu phác 6g, Trần bì 5g.
Chủ trị: chứng rối loạn tiêu hóa do tỳ vị hư hàn.
9.4. Hồi nhũ (Trị trường hợp sữa quá nhiều)
- Uống nước sắc Mạch nha hoặc thành phẩm (100-200g/ngày, dùng thuốc cho 8 người bình thường, 15 người mắc chứng sữa quá nhiều và 18 người có hội chứng sữa nhiều – tắt kinh. Có nhận xét: đối với người bình thường có tác dụng ức chế, 13/15 ca sữa nhiều hết hoặc giảm, 2 ca không kết quả, trong số hội chứng sữa nhiều- tắt kinh có 2 ca sữa nhiều bớt, 2 ca có kinh lại nhưng không rụng trứng (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1984,3:134).
- Lưu Quang Hán cho uống nước sắc Mạch nha (sao) 30 – 100g/mỗi ngày chia 2 lần sáng tối, uống trị 23 ca nhiều sữa quá, đều có kết quả tốt (Lưu quang Hán, Tạp chí Tân y dược Thiểm tây 1976, 1:69)
- Mạch nha sao 60 – 120g sắc nước uống, ngày 1 thang, uống liền 2 – 3 ngày có kết quả tốt cho người sữa nhiều căng tức vú đau hoặc muốn thôi cho con bú.
- Sao Mạch nha 120g tán bột, mỗi lần uống 15g, ngày 4 lần với nước sôi nóng. Trị sữa quá nhiều làm vú căng tức đau.