Hương Phụ

  Thuốc bắc, Thuốc nam

(Rhizoma cyperi rotundi )

Hương phụ còn gọi là củ Củ Gấu. Tuy là một loại cỏ dại khó diệt, nhưng Hương Phụ là một vị thuốc rất tốt cho các bệnh phụ khoa như rối loạn kinh nguyệt, mất kinh,…

Hình ảnh cây hương phụ
Cây cỏ gấu (Cây hương phụ)

1. Tên khác: Sa thảo, Củ gấu, cỏ cú, 香附.

2. Tên khoa học: Cyperus rotundus L. thuộc họ Cói ( Cyperaceae )

3. Mô tả

Cây cỏ cao khoảng 20-60cm, thân nhỏ. Lá nhỏ dài, cứng, bóng nhẫy, không cuống,phần dưới lá ôm vào thân cây, giữa lá có gân sống nổi cao. Ra hoa vào tháng 6, hoa hình tán, màu nâu, lưỡng tính. Mọc thành cụm từ 6-8 hoa. Quả nhỏ có ba cạnh màu xám.

4. Nơi sống và thu hái

Mọc hoang khắp nơi ở Đông Nam Á.

Thu hoạch vào mùa thu, phơi khô hết lá và thân, đốt,đem sàng lấy củ.

5. Phương pháp bào chế: Có thể dùng sống, tứ chế hay thất chế.

  • Dùng sống: Đem củ hương phụ rửa sạch, loại bỏ tạp chất, phơi sấy đến khô.
  • Tứ chế: Cân 1kg hương phụ, chia làm 4 phần: một phần 250g ngâm với 200ml giấm (có độ axit axetic 5%), một phần ngâm rượu 40%, một phần ngâm nước tiểu trẻ em (nước tiểu của trẻ khỏe mạnh, bỏ phần đầu và cuối, chỉ lấy phần giữa), một phần ngâm nước muối 15%. Thời gian ngâm thay đổi tùy theo mùa: 1 ngày 1 đêm nếu là mùa hè, 3 ngày 3 đêm nếu mùa thu, 7 ngày 7 đêm nếu mùa đông. Cuối cùng lấy ra sao hay phơi khô rồi trộn đều 4 phần với nhau. Theo lý luận đông y, ngâm giấm vị chua là để thuốc vào gan, muối vị mặn sẽ dẫn thuốc vào thận, rượu bốc lên cho nên dẫn thuốc đi lên trên, nước tiểu thêm tác dụng bổ.
  • Thất chế: Thất chế là làm như trên nhưng thêm 3 lần tẩm nữa như tầm với nước gừng, tẩm nước cam thảo, nước vo gạo
Hình ảnh Hương phụ
Hương phụ chế

6. Thành phần hóa học

Beta-pinene, Camphene, 1,8-Cineole, Limonene, p-Cymene, Cyperene, Seli-natriene, Beta-selinene, Alpha-cyperone, Beta- cyperone, Patchoulenone, Alpha-rotunol, Beta-rotunol, Cyperol, Isocyperon, Co-padiene, Epoxygaine, Cyperolone, Rotundole, Kobusone, Isokobusone, Glucose, Fructose.

7. Tác dụng dược lý

Điều hòa kinh nguyệt: Thuốc có tác dụng ức chế tử cung, gần như Đương quy nhưng yếu hơn. Tinh dầu có hoạt tính nhẹ của kích thích tố nữ. Vì thế mà Hương phụ thường dùng làm thuốc điều kinh.

Kháng viêm, an thần: Cồn chiết xuất Hương phụ có tác dụng kháng viêm, giảm đau và giải nhiệt nhẹ. Có tác dụng an thần đối với trung khu thần kinh.

Hạ áp: Thuốc có tác dụng cường tim và hạ áp. Cồn chiết xuất Hương phụ có tác dụng ức chế trực tiếp cơ trơn của hồi tràng.

Kháng khuẩn: Tinh dầu Hương phụ có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lî Sonner. Chất chiết xuất thuốc có tác dụng đối với một số nấm.

9. Hương phụ trong y học cổ truyền

Khí vị: Đắng, ngọt hơi cay, tính ôn

Quy kinh: Túc quyết âm can, Thủ thiếu dương tam tiêu.

Công năng: sơ can lý khí, điều kinh chỉ thống

Chủ trị: Can khí uất trệ, sán khí thống, kinh nguyệt không đều, thống kinh, nhũ phòng trướng thống.

“Khoan khoái phần khí, khai uất, trục ứ, điều kinh, chữa hoặc loạn thổ nghịch, sơ thông can khí, giúp tỳ vận hóa tiêu chất ăn cũ, cầm tiết tả, chế với Đồng tiện thì điều hòa huyết nhiệt, kinh nguyệt ứ lại, sao đen thì cầm được huyết bằng, huyết rong; trong phương chữa khí huyết của phụ nữ phải cần dùng nó, là vì nó có công khai uất tan trệ (vì tính phụ nữ thường hay phẫn uất). Có thuyết nói: Nó có khả năng đầy đặn da lông, phá tán hàn khí và bệnh mẩn ngứa ngoài da, hư nhiệt trong lồng ngực , là thuốc chữa hết thảy mọi bệnh khí.”

(Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng Lãn Ông y Tâm lĩnh)

Phối hợp: Dùng Hương phụ phối với

  • Nhân Sâm, Bạch Truật thì bổ khí,
  • Đương Quy, Thục Địa thì bổ huyết
  • Mộc hương thì thông trệ, hòa được khí của trung tiêu
  • Đàn hương thì chỉnh lý phần khí làm tỉnh tạng tỳ
  • Trầm hương thì thông giáng được mọi khí
  • Xuyên khung, Thương truật thì giải được mọi chứng uất
  • Chi tử, Hoàng liên thì giải được nhiệt
  • Phục thần thì làm cho tâm và thận giao nhau
  • Hồi hương, Phá cố thì đưa khí trở về nguồn gốc
  • Tam lăng, Nga truật thì tiêu mòn tích khối
  • Hậu phác, Bán hạ thì khơi chỗ bế tắc, tiêu trướng đầy
  • Tử tô, Thông bạch thì giải tán tà khí
  • Ngải diệp thì làm ấm tử cung .

Kiêng kỵ: Tinh huyết khô mà bế lại và kinh nguyệt thấy trước kỳ, Hoặc huyết hư nhiệt ở trong thì cấm dùng . Âm hư huyết nhiệt, khí hư. Không có khí trệ không dùng.

Liều dùng: 6 -12g sắc hoặc cho vào thuốc cao, hoàn, tán. Dùng ngoài đắp tùy yêu cầu.

10. Ứng dụng lâm sàng

1.Trị đau sườn ngực và đau bao tử cơ năng:

Tiểu ô trầm thang: Hương phụ 8g, Ô dược 10g, Cam thảo 4g sắc uống.

2. Trị vị hàn khí thống.

Lương phụ hoàn: Hương phụ, Lương khương đều 10g, sắc uống,

3. Trị đau ngực sườn.

Dùng Hương phụ 10g, Diên hồ sách 8g, sắc uống

3. Rối loạn kinh nguyệt:

Tứ chế Hương phụ hoàn: Hương phụ 4 phần bằng nhau chế 4 cách khác nhau: ngâm muối, giấm, rượu, đồng tiện, sao tán bột làm hoàn.

Hương phụ (sao) 9g, ích mẫu thảo 20g, đường đỏ (hồng đường) 20g. Hương phụ và ích mẫu nấu trước, khi sôi đều, lọc bỏ bã, thêm đường vào uống. Liên tục 3 – 5 ngày. Trị rong kinh, trĩ bị chảy máu rỉ rả: hương phụ sao qua tán mịn, mỗi lần uống 6g với nước cháo hoặc nước hồ nếp.

4. Trị đau bụng kinh

Hương phụ, ngải diệp, trần bì đều 15g, nguyệt qùy hoa 2 đóa, sắc uống.

Hương phụ 20g, ích mẫu thảo 10g, sắc uống.

5.Trị kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, viêm tử cung mãn tính, các bệnh phụ nữ trước và sau khi sinh nở:

Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải diệp 10g, nhân trần 15g, đỗ 500ml nước sắc còn 150ml nước, uống ngày một thang.

Hương phụ 20g, ích mẫu 15g, ngải cứu 6g, bạch đồng nữ 8g, thêm 300ml nước, đun sôi và giữ sôi trong nửa giờ. Thêm đường vào cho ngọt mà uống trong ngày. Muốn cho kinh nguyệt đều, uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh. Đây là bài thuốc cao hương ngải đã được tin dùng từ nhiều năm qua.

6.Trị rối loạn tiêu hóa, ăn không biết ngon:

Hương sa dưỡng vị hoàn, thang: Hương phụ 6g, Sa nhân 3g, Mộc hương 5g, Chỉ thực 6g, Đậu khấu nhân 5g, Hậu phác 10g, Hoắc hương 5g, Bạch truật 10g, Trần bì 10g, Phục linh 10g, Bán hạ 10g, Cam thảo 3g, Sinh khương 10g, Táo 5 quả sắc uống trị tỳ vị hư nhược, ăn kém ngon, nôn, tiêu chảy, bụng đầy.

7. Trị bụng đầy trướng:

Hương phụ 8g, hải tảo 4g, nấu với rượu, rồi lấy nước mà uống và ăn luôn cả hải tảo.

8. Trị phụ nữ có thai nôn khan, nôn ra nước chua, thai động, ăn uống không ngon và nằm ngồi không được:

Hương phụ 80g, hoắc hương 8g, cam thảo 8g. Tán bột, mỗi lần uống 8g với nước sôi và ít muối.

9. Trị sa trực trường:

Hương phụ, kinh giới tuệ, hai vị bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 8g, bên ngoài nấu hương phụ và kinh giới để ngâm rửa.

10. Trị mộng tinh lâu ngày không khỏi:

Hương phụ 500g, phục thần (hoặc phục linh) 180g. Hương phụ ngâm với nước vo gạo 1 đêm, vớt ra, bỏ rễ. Lại ngâm với rượu, đồng tiện, nước muối, sữa bò, nước đậu đen 1 đêm. Lấy ra sấy khô, cho phục thần vào, tất cả tán thành bột, trộn với mật ong làm thành hoàn 10g. mỗi ngày, vào buổi tối uống 1 hoàn với nước muối pha loãng.