Kiến Trung Thang

  Bài thuốc

Kiến là gặp, trung là trung tiêu; các bài thuốc đi thẳng tới trung tiêu nên gọi là Kiến Trung. Bao gồm: Tiểu kiến trung thang, Đại kiến trung thang. Ngoài ra gia giảm thêm có Hoàng kỳ kiến trung thang, Đương quy kiến trung thang.

Tiểu kiến trung thang

Tiểu kiến trung thang xuất xứ từ cuốn Thương hàn luận của Trương Trọng Cảnh, là bài thuốc gia giảm từ bài Quế chi thang.

Thành phần:

  • Bạch thược 12 – 16g
  • Chích thảo 3 – 6g
  • Quế chi 6 – 8g
  • Sinh khương 8 – 12g
  • Di đường (đường phèn) 20 – 40g
  • Đại táo 4 quả
Hình ảnh Tiểu Kiến Trung Thang
Tiểu Kiến Trung Thang

Cách dùng: Ngày 1 thang, sắc uống: để riêng Di đường, sắc các vị còn lại lấy nước, bỏ bã. Khi uống cho thêm di đường khuấy tan, uống khi còn ấm.

Công năng: Ôn trung, bổ hư, chỉ thống, hoãn cấp,

Chủ trị:

  • Cam tích: Trẻ em thể chất hư nhược, mệt mỏi rã rời, thần kinh dễ bị kích thích.
  • Trung tiêu hư hàn: đầy bụng, đau dạ dày.
  • Hư lao: suy nhược cơ thể. Các chứng đau do thống tý.
  • Tâm quý: phiền, hồi hộp.

Ý nghĩa bài thuốc:

  • Di đường vị ngọt bổ ích trung tiêu, Quế chi ôn trung tán hàn, hai vị này kết hợp có tác dụng ôn ấm, bổ ích trung tiêu, trừ hàn tích tụ. Quế chi là chủ dược.
  • Bạch thược hòa can liễm âm, làm can sơ tiết điều đạt,huyết về can lưu trú dễ dàng, hợp để can mộc bớt khắc tỳ khổ mà huyết vận từ tỳ về can được sơ thông.
  • Cam thảo có tác dụng điều trung ích khí, chích mật để kiện khí tỳ vị.
  • Sinh khương, Đại táo điều hòa vinh vệ, ích khí trung tiêu.
  • Các vị thuốc hợp lại có tác dụng làm cân bằng âm dương vinh vệ, điều hòa chức năng tỳ v, hồi phục tỳ vị hư tổn, khí huyết đầy đủ.
  • Bài thuốc gốc là lấy bài Quế chi thang làm cơ sở, bội Bạch thược và gia Di đường, tác dụng không phải là phát hãn giải biểu mà là để ôn vận huyết mạch thông tâm dương, ích tâm khí, hòa vinh huyết, nên còn chữa được chứng hư phiền hồi hộp do tâm khí bất túc.

Ứng dụng lâm sàng:S uy nhược cơ thể, viêm loét dạ dày tá tràng, ngực phiền, hay hồi hộp

Lưu ý:

  • Không dùng Tiểu kiến trung thang cho người bị nôn mửa, trung tiêu thực nhiệt,  viêm cấp tính.
  • Bạch thược phản Lê Lô: dùng chung Bạch thược với Lê lô tạo ra chất độc
  • Quế chi kỵ dùng cho người có thai.

Hoàng Kỳ Kiến Trung thang, Đương Quy Kiến Trung thang

Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim quỹ yếu lược): là bài Tiểu kiến trung thang gia thêm Hoàng kỳ dùng cho các chứng khí hư nhiều, hay ra mồ hôi, khó thở mệt mỏi.

Hình ảnh Hoàng Kỳ
Hoàng Kỳ

Đương quy kiến trung thang (Thiên kim dược phương): là bài Tiểu kiến trung thang gia thêm Đương quy dùng cho phụ nữ sau sinh, khí kém, suy nhược cơ thể, bụng dưới đau, không muốn ăn.

Đại kiến trung thang

Đại kiến trung thang xuất phát từ cuốn Kim quỹ yếu lược, là bài thuốc  “chuyên điều trị bụng rất đau, nôn mửa và không ǎn uống được, da bụng cǎng ruột nhu động như giun bò” (Phương cự phụ ngôn)

Thành phần:

  • Sơn tiêu 20g
  • Can khương 16g
  • Nhân sâm 8g
  • Di đường 20g.
Hình ảnh sơn tiêu
Sơn tiêu còn gọi là xuyên tiêu

Cách dùng:

Ngày 1 thang, sắc uống: Cho Sơn tiêu, Can khương và Nhân sâm vào sắc trước, sau đó bỏ bã cho Mạch nha vào sắc lại cho tan đều, hạ lửa, thuốc uống khi còn nóng.

Sau khi uống thuốc khoảng 30 phút, nên húp khoảng 50g cháo nóng, loãng

Công năng: ôn trung, bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống.

Chủ trị: Trung tiêu dương khí suy nhược, âm hàn nội thịnh, đau ngực, chân tay lạnh, nôn ọe, không ăn uống được, bụng cự án, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế mà khẩn.

Ý nghĩa phương thuốc:

  • Thục tiêu vị cay tính nhiệt, ôn tỳ vị, tán hàn trừ thấp, hạ khí tán kết là chủ dược.
  • Can khương ôn trung tán hàn, giúp Thục tiêu gây dựng dương khí trung tiêu, tán nghịch khí, chỉ thống, chỉ nôn là thần.
  • Nhân sâm bổ ích tỳ vị, phù trợ chính khí, vừa phù vừa bù lượng tân dịch hao tổn.
  • Di đường dùng nhiều để kiến trung hoãn cấp, lại có thể hoà hoãn Thục tiêu, Can khương có tính táo mạnh đều là tá.

Các vị thuốc trên hợp dụng, cùng phát huy công năng ôn trung bổ hư, giáng nghịch chỉ thống.

Ứng dụng lâm sàng: Ngày nay thường dùng để chữa loét dạ dày tá tràng, co thắt dạ dày ruột, dạ dày trướng to, dạ dày sa, ruột dính, tắc ruột do giun đũa.

Lưu ý: Nhân sâm phản Lê Lô, hai vị này dùng chung sinh độc.