Tứ chi co quắp hay tay chân co quắp là một chứng bệnh nguy hiểm, kéo dài và khó điều trị. Y học cổ truyền chứng trạng này xuất hiển do nhiều chứng hậu khác nhau, có nguyên nhân khác nhau cần phân biệt rõ ràng trong điều trị.
I. Tổng quan
Khái niệm: Tứ chi co quắp là chỉ chứng trạng các ngón tay chân co quắp co duỗi khó khăn.
Chứng này trong sách Nội kinh đã bàn khá nhiều trong các chứng “Câu cấp” (Lục nguyên chính kỷ đại luận), “Câu loan” (Thị tòng dung luận), “Hĩnh cấp loan” (Quyết luận), “Loan tiết” (Nghịch điều luận). Trong sách Thương hàn luận cũng ghi các chứng “Tứ chi câu cấp, “Lưỡng hĩnh câu loan”, “Cước loan cấp”… Co cứng với cứng đơn với co giật với run rẩy… khác nhau: Co cứng là chỉ cơ bắp cứng rắn, duỗi thẳng thì được nhưng không gấp khúc được. Co giật là cả tứ chi co duỗi nhịp nhàng từng đợt. Run rẩy là chỉ tứ chi liêu xiêu lẩy bẩy, lâm sàng cần phân biệt cho rõ. Còn chứng ngón tay co cứng thì giới thiệu ở chuyên mục riêng.
Chứng hậu thường gặp
Tứ chi co quắp do ngoại cảm phong hàn: Có chứng phát sốt sợ phong hàn, gáy lưng cứng nhắc, chân tay co quắp có hoặc không có mồ hôi, đau đầu đau thân thể, rêu lưỡi trắng mỏng mà nhuận, mạch Phù Khẩn.
Tứ chi co quắp do hàn thấp uất kết: Có chứng đầu như bị bọc, tứ chi nặng nề khốn đốn, bụng đầy kém ăn, mặt phù nhẹ mà tối trệ, chân tay nghịch lạnh, tứ chi co quắp hoặc kiêm các chứng khớp xương cơ bắp nặng nề đau mỏi, chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Trì.
Tứ chi co quắp do thấp nhiệt tà xâm phạm: Có chứng mình nóng, tứ chi khốn đốn, đầu nặng như bị bọc, bụng đầy kém ăn, buồn nôn, tứ chi co quắp, cứng nhắc, lòng bàn chân tay nóng, tiểu tiện sắc vàng, chất lưỡi đỏ bệu và to, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác.
Tứ chi co quắp do nhiệt thịnh âm khuy: Có chứng sốt cao, cổ gáy co rút và cứng, tứ chi co quắt thậm chí co giật, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo kết hoặc phát cuồng nói sảng, mắt trực thị đầu lắc lư, môi đỏ họng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch Huyền Sác.
Tứ chi co quắp do vong dương dịch thoát: Có chứng nôn mửa tả lỵ, lậu hãn không dứt, sợ lạnh, tứ chi quyết lạnh và co quắp, lưỡi trắng nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm hoặc Vi Tế.
Tứ chi co quắp do Can huyết suy hư: Có chứng hoa mắt, đầu choáng tai ù, da dẻ tê dại, gân thịt máy động, tứ chi co quắp, móng tay chân trắng nhợt, chất lưỡi nhợt, mạch Huyền Tế.
II. Phân tích
1. Chứng Tứ chi co quắp do ngoại cảm phong hàn với chứng Tứ chi co quắp do nhiệt thịnh âm khuy: Loại trên phần nhiều do tà khí phong hàn xâm phạm vào kinh mạch Thái dương, kinh khí không tuyên thông. Thuộc tính của hàn là co rút cho nên phát sinh chân tay co quắp, gáy lưng cứng dã ra, đầu đau khớp xương nhức mỏi. Loại sau phần nhiều do ngoại cảm bệnh tà ôn nhiệt hoặc ngũ chí quá cực, mệt nhọc nội thương tạng khí không bình thường, dương thắng hỏa vượng hun đốt hao thương âm dịch, gân mạch co rút thậm chí dẫn động Can phong co giật liên tục. Biện chứng Tứ chi co quắp do ngoại cảm phong hàn lấy các chứng ố phong hàn, rêu lưỡi trắng nhuận và mạch Phù Khẩn làm yếu điểm. Điều trị nên khư phong tán hàn, thư cân hoạt lạc, nếu bệnh nặng mà không ra mồ hôi cho uống Cát căn thang, nếu có mồ hôi cho uống Qua lâu Quế chi thang. Biện chứng Tứ chi co quắp do nhiệt thịnh âm khuy lây các chứng sốt cao co giật, hôn mê, nói sảng, tiểu tiện vàng, đại tiện khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô mạch Sác Thực làm yếu điểm, điều trị nên Thanh ôn tiết nhiệt, bình Can dẹp phong dùng phương Thanh cung thang hợp với Linh dương câu đằng thang gia giảm.
2. Chứng Tứ chi co quắp dọ hàn thấp uất kết với chứng Tứ chi co quắp do thấp nhiệt xâm phạm: Loại trên phần nhiều do hàn thấp xâm phạm hoặc thể trạng vốn dương hư thấp thịnh, thuộc tính của hàn là co rút, thấp thắng dính trệ, gân mạch bị hàn thấp xâm phạm, khí huyết không hòa cho nên tứ chi co quắp. Loại sau phần nhiều do cảm nhiễm bệnh độc thấp nhiệt hoặc Tỳ hư thấp thịnh, thấp uất hóa nhiệt, thấp nhiệt uất kết, gân bị khô dẫn đến co quắp: Sinh khí thông thiên luận sách Tố vấn có viết: “Bệnh do thấp thì đầu như bọc. Thấp nhiệt không trừ được các gân lớn mềm và ngắn đi, gân nhỏ thì nhão dài ra, mềm và ngắn thì co, nhão, dài ra thì liệt”. Trên lâm sàng tuy đều có hiện tượng về thấp nhưng một loại nghiêng về hàn cho nên thấy các chứng mặt phù nhẹ và tối trệ, chân tay nghịch lạnh chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch Trầm Trì. Điều trị nên ôn dương lợi thấp cho uống Vị linh thang gia giảm. Một loại nghiêng về nhiệt cho nên thấy các chứng lòng bàn chân tay nóng, tiểu tiện sắc vàng, lưỡi đỏ to bệu, rêu lưỡi vàng nhớt, điều trị nên thanh nhiệt táo thấp cho uống Nhị diệu tán gia vị.
3. Chứng Tứ chi co quắp do vong dương dịch thoát với chứng Tứ chi co quắp do Can huyết suy hư: Loại trên phần nhiều do nôn mửa tả lỵ và lậu hãn không dứt dẫn đến vong dương dịch thoát. Vong dương thì gân mất sự ấm áp, dịch thoát thì mạch mất sự tư dưỡng cho nên gân mạch co rút, tứ chi co quắp. Loại sau phần nhiều do mất huyết quá nhiều hoặc là Tỳ hư không chuyển vận được, chất tinh vi của thủy cốc không còn, nguồn sinh hóa gân mạch không đầy đủ, cho nên tứ chi co quắp gấp khúc. Yếu điểm chẩn đoán phân biệt là vong dương dịch thoát, là dương khí suy vi, tình trạng bệnh nguy hiểm, điều trị nên hồi dương cứu thoát dùng phương Tứ nghịch thang gia Nhân sâm. Chứng Can huyết suy hư là do Can huyết bất túc, bệnh tiến triển từ từ, điều trị nên bổ huyết dưỡng Can dùng phương Tứ vật thang gia vị.
Kết luận: Chẩn đoán phân biệt chứng Tứ chi co quắp trước hết cần phân biệt ngoại cảm hay nội thương. Ngoại cảm phong hàn ôn nhiệt hàn thấp và thấp nhiệt đều có thể gây nên co quắp. Còn nội thương thì phần nhiều do âm huyết bất túc hoặc dương khí suy vi… nên căn cứ vào nguyên nhân bệnh và chứng hậu lâm sàng mà chẩn đoán phân biệt cho rõ.
III. Trích dẫn y văn
Đây là do thể lực, tấu lý thưa hở phong tà phạm vào gân gây nên. Mùa xuân mà bị Tý là chứng Cân tý, gân sẽ co lại. Tà khí ẩn náu ở “cơ quan” sẽ làm cho gân quắp lại, tà khí ẩn náu ở đường lạc Túc Thái dương khiến cho vai lưng người ta co cứng. Đường kinh của Túc Quyết âm Can, Can lại chủ về các loại gân, vượng vào mùa xuân, đường kinh lạc bị hư, nếu gặp phong tà thì gân tổn thương khiến cho chân tay co quắp không duỗi ra được (Chư bệnh nguyên hậu luận – Phong tứ chi câu loan bất đắc khuất thân hậu).