Quế

  Thuốc bắc, Thuốc nam

Quế vừa là một loại gia vị vừa là một vị thuốc quý trong Đông y chủ yếu có tác dụng bổ Mệnh môn, khu phong,trừ thấp, làm ấm kinh lạc,… tùy vào bộ phận khai thác.

Hình ảnh cây Quế
Cây Quế

1. Tên gọi: Quế Nhục (肉桂), Quế chi, (桂枝), Quế tâm (桂心), Quế tiêm (桂尖) Quế đơn, Quế bì, Quế Trung Quốc, Mạy quẻ (Tày), Kía (Dao), quế thanh, quế quảng,…

2. Tên khoa học: Cinnamomum cassia Presi hoặc Cinnamomum cassia Blume (Cinnamomum obtussifolium var cassia Perrot et Eberh) thuộc họ Long não (Lauraceae).

3. Mô tả thực vật:

Cây thân gỗ sống lâu năm, kích thước lớn, cây cao từ 10 đến 20m. Cành màu nâu, nhẵn, hình trụ. Lá hình mác, dày và cứng dài 12 – 25cm, rộng 4-8cm, gốc thuôn, đầu nhọn, mặt trên màu lục nhẵn, mặt dưới màu xám tro, lá có lông khi còn nhỏ. Chạy dọc lá có 3 gân nổi rõ ở mặt dưới, hình cung, gân bên kéo dài đến đầu lá, gân phụ nhiều, song song; cuống lá to, dài 1,5-2cm, có rãnh ở mặt trên.

Hoa mọc ở kẽ lá  theo cụm gần đầu cành tạo thành chùy dài 7-15cm; Quả hạch, hình trứng hoặc hình bầu dục, dài 1,2 – 1,3cm, nằm trong đài tồn tại nguyên hoặc chia thùy. Vỏ và lá vò ra có mùi thơm.

Mùa hoa: tháng 4-7; mùa quả: tháng 10-12.

4. Bộ phận dùng: Vỏ, cành nhỏ.

5. Phân bố

Việt Nam: Yên Bái; Quảng Ninh; Thanh Hóa (Thường Xuân); Quảng Nam (Trà My, Phước Sơn) và Quảng Ngãi (Trà Bồng)… 

Trung Quốc: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam,…

Quế tốt nhất trên thế giới là Quế quan của Xirilanca, Quế ở Việt Nam chỉ tốt thứ hai.

6. Thu hái và lựa chọn Quế tốt

Vào tháng 4- 5 và tháng 9- 10, chọn những cây quế sống 5 năm trở lên để bóc vỏ (cây sống càng lâu càng tốt).Trước khi bóc, lấy lạt buộc quanh thân và cành to, cách khoảng 40 cm đến 50 cm buộc một vòng để cắt cho đều. Dùng dao nhọn cắt đứt phân nửa thân hoặc cành, rồi cắt dọc từng đoạn. Mỗi lần lấy vỏ, chỉ lấy một nửa bên, để lại nửa bên cho cây tái sinh. Sau đó lấy que nứa đã vót nhọn và mỏng lách vào khe, tách vỏ quế ra, để riêng từng loại:

  • Quế hạ bản: Lấy ở phía dưới thân cây, thứ này hay giáng xuống mà ít bốc lên.
  • Quế trung châu: Lấy ở phần giữa thân cây
  • Quế thượng biểu: Lấy ở phần trên thân cây. Hai thứ này có tác dụng bốc lên.
  • Quế chi: Lấy ở cành cây, quế chi tiêm lấy ở ngọn cành, thứ này đi ra ngoài thân và chân tay.

Chú ý khi bóc vỏ quế không được làm sót lại gỗ vì như vậy quế sẽ giảm giá trị.

Cách xem Quế tốt xấu:

  • Cạo bỏ vỏ ngoài, mài với tí nước, nếu ra chất trắng như sữa bò là tốt nhất  nấu nước như nước chè xanh là loại hai, mẫu nước đỏ là loại ba
  • Nếm miếng quế thấy ngọt cay , sau thấy đáng cuối cùng thấy ngọt cay ít thôi ) là quả tốt
  • Thanh Hoa có câu: “Lòng son, vỏ khế” là nói đến quế tốt phải như thế.
  • Gọt vỏ quế, cắt đôi, chỗ cắt trông như sáp, rất mịn và thấy cả đường “bạch chỉ phân du” là quế tốt. Sợi chi trong này phải thẳng nếu ngoằn nghèo là không tốt lắm
  • Tây y cho quế tốt là phải có tỷ lệ tinh dầu cao.

Nhưng nói chung khô, có mùi thơm, có chất dầu, vị cay hơi ngọt, vỏ hơi nâu không vụn mất ẩm là tốt .

7. Bào chế và bảo quản

Theo Trung y Gọt sạch bì thô. Với thuốc thang thì mài với trước thuốc, làm thuốc hoàn tàn thì tán bột .

Theo kinh nghiệm Việt Nam: Đối với quê thật tốt , chỉ mài trong bát với ít nước đun sôi để nguội hoặc với nước thuốc thang để uống

Làm nước hãm (Quế thường): Cạo bỏ bã thô, gọt thành miếng mỏng. Tắm nước đồng tiện 1- 2 ngày đêm, ( để giáng hoả vì nóng quá xông lên hai mắt). Cho miếng quế đã tẩm vào cái chén có nắp, đổ nước sôi vào rồi rót ngay ra bỏ đi, cho vào nước sôi khác, lần này để ngấm nguội mới lấy ra uống. Uống lại, pha với nước sôi khác mà dùng. Một lượt vỏ quế như thế có thể pha 2- 3 lần.

Bảo quản: Để tránh mất hương vị của Quế, trát sáp mật ong vào hai đầu thanh quế, dùng giấy bóng kính gói kỹ, đựng vào thùng kín. Để nơi khô ráo, kín mát. Tránh nơi ẩm .

8. Thành phần hóa học

Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế khá cao (1,0 – 4,0 %), còn trong lá và cành non thường thấp (0,3 – 0,8 %). Tinh dầu từ vỏ có màu vàng nâu nhạt, sánh, vị cay, thơm, ngọt, nóng, nặng hơn nước; với thành phần chính là (E) – cinnamaldehyde (70 – 95 %); không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o – methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin. Ngoài ra, trong vỏ quế còn chứa tanin, chất nhựa, đường, calci oxalat, coumarin và chất nhầy…

9. Tác dụng dược lý

An thần: Cinnamaldehyde có tác dụng ức chế trung khu thần kinh, an thần. giảm đau và giải nhiệt. bên cạnh đó, cinnamaldehyde còn có tác dụng làm giảm co giật và tử vong đối với súc vật do tiêm quá liều strychnin. Dầu vỏ quế là thuốc thơm kiện vị trừ phong, có tác dụng kích thích nhẹ dạ dày và ruột. Thuốc có tác dụng tăng tiết nước bọt và dịch vị tăng cường chức năng tiêu hóa, làm giảm co thắt cơ trơn nội tạng, làm dịu cơn đau bụng do co thắt ruột. Ngoài ra, cinnamaldehyde còn có tác dụng ức chế sự hình thành loét bao tử ở chuột do kích thích.

Tác dụng lên hệ tim mạch: nước sắc quế nhục làm tăng lưu lượng máu động mạch vành tim cô lập của chuột lang, cải thiện được thiếu máu cơ tim cấp của thỏ do pituitrin gây nên.

Tác dụng kháng khuẩn: trên ống nghiệm, quế nhục có tác dụng ức chế mạnh đối với nhiều loại vi khuẩn gram (+), mạnh hơn đối với gram (-), ức chế cả đối với nấm gây bệnh.

10. Quế trong y học cổ truyền

Khi sử dụng làm thuốc, Quế được phân ra làm 4 loại với tác dụng khác nhau.

10.1. Nhục quế

Hình ảnh Nhục quế
Nhục quế

Nhục quế hay còn gọi là quế nhục, là vỏ ngoài của cây Quế.

Khí vị: thơm, vị cay ngọt, tính nóng, có hơi độc, hoàn toàn là dương dược.

Quy kinh: kinh can thận.

Công năng: bổ mệnh môn hỏa, tán hàn, ôn tỳ, chỉ thống, làm ấm khí huyết.

Chủ trị: Lưng gối đau lạnh, bụng đau lạnh, nôn mửa, tiêu chảy, bế kinh, đau bụng kinh, phù thũng, tiểu tiện rối loạn (đái không thông lợi, đái nhiều lần).

“Cứu được khí nguyên dương đã lạnh lâu ngày, giúp ấm cho chứng tỳ vị hư hàn, ức chế can tả, thông lợi phế khí, bổ chứng ngũ lao, trị chứng thất thương, cứng gân xương, mạnh sinh dục, dưỡng tâm thần, thống huyết mạch, trị đau bụng, chữa chứng bôn đồn, sán khí, chấm dứt chứng hư phiền, thu liễm chứng hư hàn, nuôi tinh tủy, ấm lưng gối, chữa tê thấp, ho đờm, nhọt trong mũi, sáng mắt, điều hòa nhan sắc, tuyên thông khắp các kinh mạch ( đạo đạt khắp nơi không úy kỵ gì, gọi là thông sử ). Khí của nó rất nồng hậu, có thể bổ sự bất túc của mệnh môn chân hóa trong thận, thúc độc ung nhọt, đậu mùa, lại có khả năng dẫn huyết làm mủ, dùng làm thuốc thôi sinh chỉ trong chốc lát là kiến hiệu y như dùng bàn tay đẩy thai xuống”

(Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng Lãn ông Y Tâm Lĩnh)

Hợp dụng: Theo sách Bản thảo tuy có nói hơi độc, nhưng cũng tùy loại mà phân hóa; nếu dùng với Cầm, Liên làm sứ thì độc nhỏ ấy không làm gì được; dùng với Ô đầu, Phụ tử, Ba đậu, Can tất làm sứ thì độc nhỏ ấy hóa thành độc to. Gặp Nhân sâm, Mạch môn, Cam thảo thì có khả năng điều hòa tỳ vị, thêm khí mà có thể uống lâu; gặp được Sài hồ, Can địa hoàng thì có khả năng điều hòa phần vinh mà ngăn được chứng mửa ói.

Kiêng kỵ: kỵ lửa, kỵ hành sống và Xích thạch chi.

Kiêng dùng: Người dương thịnh âm hư, phụ nữ có thai.

Liều lượng: 2- 5g, cho sau vào thuốc, không nên sắc lâu, hoặc hòa bột uống mỗi lần 1- 2g.

Ứng dụng:

Trị đau bụng tiêu chảy kéo dài do thận dương hư, tỳ vị hư hàn hoặc tỳ thận dương hư:

Tam khí đơn: Nhục quế 3g, Lưu hoàng 3g, Hắc phụ tử 10g, Can khương 3g, Chu sa 2g, chế thành viên, mỗi lần uống 3g ngày 2 lần với nước sôi ấm. Trị chứng nôn ỉa nhiều, quyết nghịch hư thóat.

Quế linh hoàn: Nhục quế 3g, Mộc hương 3g, Can khương 5g, Nhục đậu khấu, Chế phụ tử đều 9g, Đinh hương 3g, Phục linh 9g, chế thành hoàn mỗi lần uống 8g, ngày 2 – 3 lần với nước ấm. Trị đau bụng tiêu chảy do tỳ thận dương hư.

Trị viêm thận mạn, phù thũng do dương khí hư chân tay lạnh, tiểu ít chân phù:

Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương): Can địa hoàng 15g, Sơn dược 12g, Sơn thù 6g, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả đều 12g, Nhục quế 4g, Phụ tử 10g, Xuyên Ngưu tất 12g, Xa tiền tử 15g, luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 15g, ngày uống 2 – 3 lần.

Trị chứng bụng đau, phụ nữ có kinh đau bụng do hư hàn:

Nhục quế tán bột mịn, mỗi lần uống 3 – 4g với nước ấm hoặc rượu càng tốt.

Lý âm tiễn: Thục địa 16g, Đương qui 12g, Nhục quế 5g, Can khương 5g, Cam thảo 4g, sắc uống. Trị phụ nữ đau bụng kinh.

Trị nhiễm độc phụ tử:

Theo kinh nghiệm dân gian, tác giả đã dùng Nhục quế trị nhiễm độc Phụ tử cấp. Dùng Nhục quế 5 – 10g ngâm nước uống, sau khi uống 5 – 15 phút, bệnh nhân nôn, sau 15 – 30 phút các triệu chứng giảm. Nếu không giảm tiếp tục uống 3 – 5g cách uống như trên. Theo báo cáo của bệnh nhân, sau khi uống thuốc 15 – 30 phút, có cảm giác tim đập mạnh hơn, chân tay ấm lại, cảm giác tê ở môi lưỡi và chân tay giảm dần

10.2. Quan quế (Có thuyết cho rằng quế tốt, cung cấp cho quan trên dùng gọi là Quan quế)

Hình ảnh Quan quế
Quan quế

Khí vị: Vị cay, tính ấm, không độc, hoàn toàn là dương dược

Quy kinh: kinh tâm tỳ .

Chủ dụng: Chữa bệnh trúng hàn, giết ba loại trùng, thông khí huyết, lợi khớp xương, chữa đau bụng đau dạ, trừ chứng đau do gió lạnh, chủ trị chứng lao thương, bổ thêm cho trung khí chữa đau họng, ho nghịch khó thở. vả lại Quan quế chuyên chữa trung tiểu là thuốc đối chứng làm cho ấm gân, thông mạch, lợi khiếu và đau bụng.

10.3. Quế chi Tức là cành nhỏ, lại gọi là quế mỏng (bạc quế), hay quế chi tiêm.

Hình ảnh Quế chi
Quế chi

Khí Vị: Vị cay, tính nóng và nhẹ, có độc nhẹ, khí nổi lên mà đưa lên, là dương dược

Quy kinh: tâm phế và bàng quang.

Công năng: Phát hãn giải cơ,ôn kinh thông dương.

Chủ trị: giải cảm tán hàn, thông kinh chỉ thống, hành huyết lợi tiểu.

“Vị nhạt, thể nhẹ, đi lên đầu mặt, chữa chứng đau trong bụng, giải được chứng lạnh ngoài bì phu, điều hòa vinh vệ cơ biểu trị tê tay tê chân, giải tán phong hàn, không có mồ hôi thì làm cho ra mồ hôi, đã có mồ hôi thì làm cho cầm mồ hôi, đi ngang làm thuốc dẫn kinh cho tay chân, đi thẳng làm thuốc dẫn đạo cho chứng bôn đồn”

(Dược phẩm vậng yếu- Hải thượng Lãn ông y tâm lĩnh)

Kỵ dụng : Bệnh âm thịnh dương hư thì kiêng dùng với bệnh thương hàn không có mồ hôi thì không được dùng làm; phụ nữ có thai.

Liều dùng: 4-12g

Ứng dụng:

Tán hàn giải cảm: chữa chứng cảm mạo phong hàn, đau đầu, đau mình, sợ lạnh: Quế chi thang (Thương hàn luận) gồm: Quế chi 12g, Bạch thuợc 12g, Chích thảo 6g, Sinh khương 12g, Đại táo 4 quả sắc nước uống. Dùng tốt đối với bệnh nhân cơ thể vốn yếu mắc ngoại cảm phong hàn.

Khu hàn chỉ thống: 

Trị chứng đau bụng do cảm hàn dùng bài Tiểu kiến trung thang: Quế chi 8g, Bạch thuợc 16g, Chích thảo 4g, Sinh khương 12g, Đại táo 4 quả, Đường phèn 30g, sắc thuốc bỏ xác cho đường vào uống lúc nóng.

Trị chứng phong thấp đau các khớp không sốt dùng bài: Quế chi phụ tử thang:Quế chi 12g, Phụ tử 12g, Cam thảo 8g, Sinh khương 12g, Đại táo 3 quả. Sắc nước uống lúc nóng.

Hành huyết thông kinh: Trị chứng phụ nữ đau bụng kinh do ứ huyết, thai chết lưu, bụng dưới có cục, tắt kinh, dùng Quế chi phục linh hoàngồm: Quế chi, Phục linh, Đơn bì, Bạch thược, Đào nhân mỗi thứ 8g sắc nước uống hoặc tán bột mịn làm hoàn.

U xơ tử cung: Quế chi, Đào nhân, Xích thược, Hải tảo, Mẫu lệ, Miết giáp mỗi thứ 160g; Phục linh, Đơn bì, Bạch thược, Đào nhân mỗi thứ 240g, Hồng hoa 100g, Nhũ hương, Một dược, Tam lăng, Nga truật mỗi thứ 80g. Tất cả tán bột mịn, luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10-12g, ngày 2-3 lần.

Tư  thận hành thủy: Quế chi có tác dụng thông dương lợi thủy phối hợp các vị thuốc ôn thận kiện tỳ lợi thủy khác trị các chứng phù (trong bệnh viêm thận, thận hư nhiễm mỡ.) hoặc đàm ẩm (trong bệnh viêm phế quản mạn).

Trị chứng phù thường dùng bài Ngũ linh tán: Bạch linh, Bạch truật, Trư linh mỗi thứ 12g, Trạch tả 16g, Quế chi 4g tán bột mịn mỗi lần uống 8-12g hoặc làm thuốc sắc.

Trị chứng viêm phế quản hoặc hen phế quản mạn tính nhiều đàm dùng Linh quế truật cam thang: Bạch linh 12g, Bạch truật 8g, Quế chi 8g, Cam thảo 4g sắc nước uống.

10.4. Quế tâm  Gọt bỏ hết bì thô, dày, lấy phần bên trong có màu tía, rất ngọt là đúng

Hình ảnh Quế tâm
Quế tâm

Khí Vị: Vị ngọt tính âm, là thuốc âm trong dương dược, công dụng bổ vào tâm huyết, gọi quế tâm là mỹ từ khen ngợi.

Chủ dụng: Giết được ba loại trùng, hạ được nhau sót, chữa chứng huyết xung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thể ra máu, mửa ra máu, thông kinh hành huyết, đạo trệ, có công năng bổ âm bổ dương (dùng Quế tâm vào thuốc bổ âm thì có khả năng lưu hành sự ngưng trệ của huyết dược để bổ thận, do vị cay thuộc phế kim, có thể sinh thủy để hành huyết là như thế), chữa chứng chân mềm nhũn, cấu không biết đau và chứng trúng phong bán thân bất toại, nghiến răng, độ lưỡi, tắt tiếng, có khả năng ôn bổ thận khí, lại chuyên chữa được chứng đau vùng thượng vị và dái sưng đau (thiên truy)

(Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng Lãn ông Y Tâm lĩnh)

Kiêng kỵ: như Quế nhục