Chim cút là một loại thực phẩm gần gũi với các bữa ăn gia đình. Trong Đông y, đã nghiên cứu và ứng dụng thịt chim cút thành các món ăn bài thuốc từ lâu đời. Bài viết dưới đây,chúng tôi xin giới thiệu về thịt chim cút trong Đông y.
Tên khác: Gà đồng.
Tên khoa học: Coturnix japonica Temminck et Schlegel, họ Trĩ (Phasianidae). Chim được nuôi lấy trứng, lấy thịt.
Mô tả: Loài chim nhỏ, nặng khoảng 110 – 130g.
Bộ phận dùng: Thịt chim, trứng chim.
Thành phần hoá học chính: Thịt chim chứa nhiều protid, lipid và muối khoáng. Trứng chim cút có nhiều lecithin hơn trứng khác.
Công dụng: Thịt chim cút có tác dụng bổ hư ích khí, thanh lợi thấp nhiệt. Dùng cho các chứng lao, suy nhược, tiêu chảy, kiết lỵ, suy dinh dưỡng và phong thấp. Trứng chim cút bổ ngũ tạng, bổ trung ích khí dùng cho các trường hợp sau khi bị bệnh lâu ngày làm khí huyết hư nhược, tiêu hoá kém, sản phụ sau đẻ.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 1 – 2 con, dạng thực phẩm, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Thuốc bổ dưỡng dùng cho các trường hợp dưỡng bệnh sau ốm dài ngày, sản phụ sau khi sinh con, suy nhược thần kinh: Trứng chim cút 3 quả, Đảng sâm 15g, Đương qui 12g, Đại táo 10 quả. Hầm kỹ, ăn.
2. Thuốc bổ trung ích khí (thích hợp cho các chứng tỳ, vị suy yếu, tiêu hóa kém, ăn không ngon): Chim cút 1 con (làm sạch lông, bỏ ruột), Đảng sâm 15g, Hoài sơn 30g cho cả thuốc vào bụng chim, hầm nhừ ăn, ngày 1 lần, cần ăn vài ngày liền.
3. Thuốc bồi bổ ngũ tạng (dùng cho những người gan, thận hư tổn, đau lưng, thần kinh mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt): Lấy 1 con chim cút bóp chết, làm sạch lông, mổ bỏ ruột ngũ tạng, nhét vào bụng chim Câu kỷ tử 30g, Hoàng tinh 30g, cho hành, gừng, muối vừa đủ hầm nhừ ăn cả nước lẫn cái, có thể ăn cách từng ngày một.
4. Chữa cam tích ở trẻ: Chim cút 1 con làm sạch hầm nhừ cho bột Sơn dược 30g bột Kê nội kim 15g vào trộn đều và chia đều làm 3 phần cho trẻ ăn hết trong 3 ngày.
Lưu ý: Người bị cảm sốt, nhiều đờm không nên dùng chim cút.