Bồ công anh là loại thảo dược rất dễ được tìm thấy, tuy ít được biết đến nhưng lại là loại thuốc tốt trong điều trị các bệnh do hỏa độc , nhiệt độc như mụn trứng cá, viêm da dị ứng,…
1. Tên gọi:
Bồ công anh Trung Quốc: Bồ công anh thấp, Hùng hoa địa đinh, Bồ công anh trung quốc, Sư nha, Phù công anh, Bộc công anh,…
Bồ công anh Việt Nam: Mũi mác, Rau diếp dại, Rau bồ cóc, Rau bao, Rau mét, Phắc bao, Lin hán (Tày),…
2. Tên khoa học:
Bồ công anh Trung Quốc: Taraxacum mongolicum Hand – Mazz
Bồ công anh Việt Nam: Lactuca indica L.
Cả hai cây cùng thuộc họ Hoa Cúc ( Asteraceae).
3. Mô tả cây
Bồ công anh Trung Quốc:
- Cây thảo nhỏ, Sống một năm hay nhiều năm, cao 20 – 40cm, không có thân. Rễ đơn, hình trụ, dài, mập, mặt ngoài màu nâu, mặt trong màu trắng. Lá mọc thẳng từ rễ, lòa xòa sát mặt đất thành hình hoa thị, phiến lá hình trái xoan ngược, gốc thuôn, đầu tròn hoặc hơi nhọn, mép chia thùy sâu và khía răng không đều, trông như bị xé rách, các thùy và răng thường uốn cong lên trên, hai mặt nhẵn.
- Cụm hoa là từng đầu riêng biệt màu vàng trên một cuống dài 10 – 20 cm, rỗng, xuất phát từ kẽ lá, tỗng bao lá bắc hình chuông gồm nhiều dãy, những lá phía ngoài xoè ra. Và gập xuống, các lá phía trong mọc thẳng đứng, hoa toàn hình lưỡi nhỏ có màu nâu. Ở mặt lưng, đầu nhụy chẻ đôi.
- Quả bế có 10 nếp nhăn, tận cùng bằng chòm lông trắng trên một cuống dài mảnh.
Bồ công anh Việt Nam:
- Cây nhỏ, cao 0,6m đến lm, có thể cao tới 3m. Thân mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành.
- Lá có nhiều hình dạng: lá phía dưới dài 30cm, rộng 5cm gần như không cuống, chia thành nhiều thùy hay răng cưa thưa, lá phía trên ngắn hơn, nguyên chứ không chia thùy, mép có răng cưa thưa. Bấm lá và thân đều thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa, vị hơi đắng.
- Cụm hoa hình đầu, màu vàng, có loại tím. Có người gọi cây hoa vàng là Hoàng hoa địa đinh và loại hoa tím là Tử hoa địa đinh (tử là màu tím). Cả hai loại đều được dùng làm thuốc.
4. Phân bố
Bồ công anh Trung Quốc (Taraxacum mongolicum Hand – Mazz): Mọc hoang ở khắp Trung Quốc; Ở Việt Nam tìm thấy ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai); Tủa Chùa, Sìn Hồ (Lai Châu); Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh (Hà Giang) và Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bồ công anh Việt Nam (Lactuca indica L.) Bồ công anh mọc hoang tại nhiều tinh miền bắc nước ta. Có thể trồng rất dễ dàng bằng hạt. Mùa trồng vào các tháng 3 – 4 hoặc 9 – 10.
5. Bào chế và bảo quản
Thu hái vào tháng 4 đến tháng 5, lấy nguyên cây cả rễ, về rửa sạch, phơi âm can đến khô.
Bảo quản nơi khô ráo, kiểm tra mốc thường xuyên.
6. Thành phần hóa học
- Toàn cây bồ công anh thấp chứa 0,98% flavonoid toàn phần: lactopicrin, taraxacin, taraxacerin, taraxasterol, cosmossin, homotaraxasterol, luteollin – 7 – glucosid, β = sitosterol, Stigmasterol. Ngoài ra, còn có nhựa, tinh dầu, pectose, các acid béo (acid melissic và p, hydroxyphenacetic), sáp (Ceryl palmitat. cerylstearat).
- Lá và hoa có: 88,8% nước, 0,6% protein, 0,44%. sợi, 1,6% phần chiết bằng ether, 2,3% tro, 3,7% cacbonhydrat, 59,1mg/100g photpho, 73 mg/100g Vitamin C.
- Rễ chứa taraxol, taraxerol, taraxasterol amyrin, stigmasterol.
- Ngoài ra, còn chứa nhựa, cao su, glucosid, các đường (glucose, fructose, cymarose), asid acetic, Vitamin B.
- Lá chứa luteolin, ViolaXanthin, plastoquinon.
- Hoa chứa arnidol, flavoxanthin, 5 – α – Stigmast – 7 – en 3 – β – ol, vitamin C, D.
- Phấn hoa có β = sitosterol, acid folic, vitamin E.
- Cánh hoa có β = sitosterol, coumestrol, Caroten và đa đường.
7. Tác dụng dược lý
Thuốc có tác dụng kháng khuẩn: Thuốc sắc Bồ công anh ức chế các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, não mô cầu, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lî Flexener, trực khuẩn mủ xanh, leptospira hebdomadia.
Tác dụng nhuận tràng.
Có tác dụng lợi mật, bảo vệ gan, lợi tiểu.
8. Bồ công anh trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị đắng ngọt, tính hàn.
Quy kinh: Túc Quyết âm Can, Túc dương minh Vị.
Công năng: thanh nhiệt giải độc, lợi thấp thông lâm.
Chủ trị: các chứng ung nhọt, sang lở, nhũ ung ( viêm vú), trường ung (viêm ruột), đau họng (hầu tý), mắt sưng đỏ đau, chứng thấp nhiệt hoàng đản, nhiệt lâm (viêm tiết niệu).
Kiêng kỵ:
- Không có thấp nhiệt ung độc kỵ dùng.
- Ung thư thuộc hư hàn âm cấm dùng.
Liều lượng: 8 – 30g, thuốc tươi có thể dùng gấp 2- 3 lần, đắp ngoài không hạn chế.
9. Ứng dụng lâm sàng
Giã bồ công anh đắp ngoài dùng để điều trị
- Viêm tuyến vú
- Cam sang, định nhọt.
- Lở loét lâu ngày không khỏi
- Ong châm, kiến cắn,…
Viêm tuyến vú
Ngân bồ thang: Kim ngân hoa 20g, Bồ công anh 20g, Vòi voi 10g, Lá Mỏ quạ 10g. Các vị cho vào 600 ml nước, sắc lấy 200 ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày. Ngày uống 1 thang.
Viêm tuyến vú, sưng, nóng, đỏ đau.
Bồ xuyên thang: Bồ công anh 20g Xuyên sơn giáp (đốt tồn tính) 15g Cách dùng, liều lượng: Các vị cho vào 400ml nước, sắc lấy 200 ml nước thuốc, chia uống 2 lần trong ngày, Ngày uống 1 thang.
Bồ công anh 40g, Nhẫn đông đằng 80g, gĩa nát. Sắc với2 chén nước còn 1 chén, uống trước bữa ăn
Trị viêm tuyến vú cấp tính
Bồ hương thang: Bồ công anh 2 lượng, Hương phụ 1 lượng. Mỗi ngày 1 thang, sắc uống 2 lần.
Bồ công anh 32g, Qua lâu, Liên kiều mỗi thứ 20g, Bạch chỉ 12g, sắc uống. Bên ngoài dùng Bồ công anh tươi gĩa nát đắp
Trị các chứng sưng vú, thiếu sữa: Bồ công anh, Hạ khô thảo, Bối mẫu. Liên kiều, Bạch chỉ, Qua lâu căn, Quất diệp, Cam thảo, Đầu cấu, (gầu trên đầu). Hùng thử phẩn (phân chuột đực). Sơn đậu căn, Sơn từ cô, sắc uống hoặc làm viên.
Đau mắt đỏ: Bồ công anh (tươi) 80g, Chi tử 7 trái, sắc uống.
Lẹo mắt: Ngân Kiều Tang Cúc Công Anh Thang: Bồ công anh, Cúc hoa, Kim ngân hoa, Liên kiều, Tang diệp. Lượng bằng nhau. Sắc uống. (Thanh nhiệt, giải độc, sơ phong)
Dị ứng, viêm da:
Bài thuốc: Sài đất 300g, Cam thảo đất 6g, Cỏ Màn chầu 10g, Kim ngân hoa 20g, Kinh giới 4g, Bồ công anh 10g, Thổ phục linh 2g, Thương nhĩ tử 10g.
Cách dùng, liều lượng: Các vị cho nước, nấu kỹ lấy 300ml nước cao lỏng. Trẻ em tùy tuổi mỗi ngày uống 3 lần mỗi lần từ 10 – 30 ml pha loãng với nước chín.