Trong y học cổ truyền, Đại Hoàng là một vị thuốc được ví như tướng quân chuyên trục ngoại tà ra khỏi cơ thể. Với hai hợp chất có tính chất trái ngược nhau, Đại hoàng vừa có tác dụng cẩm tả vừa có tác dụng gây xổ.
1.Tên gọi: Hoàng lương, Tướng quân, Hỏa sâm, , Phá môn, Vô thanh hổ, Cẩm trang hoàng Thiệt ngưu đại hoàng, Chế quân, Xuyên quân, Chế cẩm văn, Sanh đại hoàng, Xuyên văn, Xuyên cẩm văn, Tửu chế quân, Thượng quản quân, Cẩm văn đại hoàng, Thượng tướng quân.
- Có màu rất vàng, nếm vào miệng thấy lạo xạo và có bọt nước vàng nên gọi là Đại hoàng.
- Có chức năng thay cũ đổi mới như dẹp loạn nên gọi là Tướng quân.
- Khi cắt ra thấy có vân như gấm (là loại tốt) nên gọi là Cẩm văn đại hoàng.
- Cây có nhiều ở Tứ xuyên, nên gọi là Xuyên đại hoàng, Xuyên quân, Xuyên văn…
2. Tên khoa học: Rheum palmatum L Họ: Polygonaceae.
3. Mô tả:
Chưởng diệp đại hoàng-Rheum palmatum L. là một cây sống lâu năm, rễ thô, to, thân cao tới 2m, giữa rỗng, mặt nhẵn. Lá ở dưới to dài, có cuống dài, phiến lá hình tim cắt thành 3-7 thuỳ, mép thuỳ hơi có răng cưa hoặc hơi cắt, lá ở phía trên thân nhỏ hơn. Cụm hoa mọc thành chùm khi còn non, hoa có màu tím đỏ. Cây này chủ yếu mọc hoang và một phần được trồng ở Tứ Xuyên, Cam Túc (Trung quốc) .
Đường cổ đặc đại hoàng Rheum tanguticum Maxim ex Regel cũng là một cây sống lâu năm cao tới 2m, lá có phiến cắt rất sâu thành thùy. Cây này mọc hoang ở Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc. Tại Cam Túc có trồng một số
Cây dược dụng đại hoàng (Rheum officinale Baill.) cũng là một cày sống lâu năm, nhưng thấp hơn, chỉ cao chừng 1,50m. Lá mọc so le có cuống dài; phiến lá hình trứng phía cuống hình tim, đường kính 40-70cm, phiến không chia thuỳ mà chỉ cắt sâu chừng 1/4. Hoa màu xanh nhạt hay vàng trắng nhạt .
4.Phân bố và thu hái
Những loài đại hoàng đang được di thực vào nước ta. Cây mọc tốt, ưa khí hậu mát ẩm, độ cao trên l.000m thì thích hợp hơn.
Hiện ta phải nhập của Trung Quốc: Trước kia nhập cả của một số nước Châu Âu.
Thường hái thân rễ của những cây đã sống trên 3 năm. Đào vào các tháng 9-10. Đào về rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần trên mặt đất, rễ nhỏ, cạo vỏ ngoài, củ to quá có thể bổ hai hay tư mà phơi cho dễ, dùng lạt xâu treo trong thềm nhà để cho khô dần hoặc có thể sấy nhẹ cho khô. Sau khi khô là dùng được (nếu dùng trong nước) hoặc cạo bỏ vỏ ngoài rồi đánh bóng nếu để xuất.
5. Bào chế và bảo quản
Cách bào chế:
- Theo Trung y Đại hoàng đắng tả hạ mạnh, trị bệnh ở hạ tiêu thì dùng sống, trị bệnh ở thượng tiêu thị tẩm rượu.
- Theo kinh nghiệm Việt Nam: Thử có dầu, rửa sạch cho nhanh, ủ cho đến mềm, thái lát mỏng 1 – 2ly (thường dùng); sấy nhẹ cho khô tẩm rượu sao qua. Thứ xốp cũng rửa sạch nhanh, đồ qua cho mềm thái mỏng
- Theo Tây y: Nấu thành cao, ngâm cồn hoặc làm thành sirô
Bảo quản: Để nơi khô ráo, kín, tránh ẩm, vì dễ mốc, mọt và biến sắc .
6. Thành phần hóa học
Trong Đại hoàng có 2 loại hoạt chất có tác dụng ngược nhau. Loại có tác dụng tẩy là các dẫn chất của anthraquinone glycoside tổng lượng chiếm khoảng 3 – 5% phần lớn ở trạng thái kết hợp gồm có chrysophanol emodin, aloe-emodin, rhein và physcion, loại có tác dụng thu liễm là các hợp chất có tanin (rheotannoglycosid) chủ yếu có glucogallin, rheumtannic acid, gallic acid, catechin, tetrarin, cinnamic acid, rheosmin. Ngoài ra còn có acid béo, calcium axalate, glucose, fructose, sennoside A,B,C,D,E, các acid hữu cơ và các chất giống oestrogene.
7. Tác dụng dược lý
- Chất gây tiêu chảy của Đại hoàng là Anthraquinone. Tác dụng của thuốc chủ yếu là ở Đại tràng, thuốc làm cho trương lực của đoạn giữa và cuối đại tràng tăng, nhu động ruột tăng, nhưng không trở ngại cho việc hấp thu chất dinh dưỡng của tiểu tràng. Nhưng trong Đại hoàng có chất Tanin nên sau tiêu chảy thường hay táo bón, hoặc liều nhỏ (ít hơn 0,3g/Kg) thường gây táo bón.
- Tác dụng lợi mật: thuốc tăng co bóp túi mật, giãn cơ vòng oddi khiến mật bài tiết.
- Tác dụng cầm máu: thuốc có tác dụng cầm máu, rút ngắn thời gian đông máu, làm giảm tính thấm của mao mạch, cải thiện độ bền của thành mạch, làm tăng fibrinogene trong máu, làm mạch máu co thắt tăng, kích thích tủy xương chế tạo tiểu cầu, nhờ vậy làm tăng nhanh thời gian đông máu. Thành phần cầm máu chủ yếu là chrysophanol.
- Tác dụng kháng khuẩn: Đại tràng có tác dụng kháng khuẩn rộng chủ yếu đối với tụ cầu, liên cầu, song cầu khuẩn lậu, trực khuẩn bạch hầu, thương hàn, phó thương hàn, kiết lî.Thành phần ức chế vi khuẩn chủ yếu là dẫn chất của anthraquinone. Thuốc còn có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh và virus cúm.
- Nước sắc Đại hoàng cho chó gây mê uống gây hạ áp. Liều nhỏ của Đại hoàng kích thích tim ếch, liều lớn ngược lại ức chế.
- Thành phần emodin và rhein trực tiếp ức chế sự sinh trưởng của tế bào ung thư của hắc lựu (melanoma), ung thư vú và ung thư gan có ascite (nước bụng) ở chuột.
- Thuốc có tác dụng lợi tiểu, bảo vệ gan và giảm cholesterol máu đối với thỏ gây cao cholesterol và cho uống thuốc. Nhưng với thỏ bình thường thì không có tác dụng.
8. Đại hoàng trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị rất đắng khí rất hàn mà không độc là vị thuốc âm ở trong âm dược, tính giáng xuống
Quy kinh: Túc Dương minh Vị, Túc Thái âm Tỳ và Túc Quyết âm Can, vào cả kinh Thủ dương minh Đại trường
Công năng: tả hạ công tích, tả hỏa, thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết hóa ứ, lợi thủy thanh nhiệt hóa thấp.
Chủ trị: tích trệ chứng thực, lî tật, đau đầu do thực hỏa, mắt đỏ họng đau, mồm lở, xuất huyết do nhiệt, nhọt lở do nhiệt độc, bỏng, trường ung ( viêm ruột thừa), kinh bế, sau sanh nước ối không ra, trưng hà, chấn thương do té ngã, phù thũng, hoàng đản, chứng lâm.
“Muốn sổ hạ chóng thì dùng sống, muốn sở hạ chậm thì dùng chín, có tác dụng thay cũ đổi mới, tẩy rửa ruột và dạ dày, tiêu huyết ứ, róc đờm ngoan cố, phá tích tụ, khỏi bị tức, tan nhiệt độc ung sưng, tiêu thức ăn ngưng trệ, thanh nhiệt tiêu đờm kết đặc tính hay chạy tuột mà không giữ lại, cho nên tả mọi chứng thực nhiệt không thông, có khả năng dẹp loạn đưa lại thái bình, quét sạch trướng đầy ở tâm phúc, lợi đại tiện trừ táo kết, gọi là ” Tướng quân ” vì nó mạnh mà nhanh.”
(Dược phẩm vậng yếu- Hải thượng Lãn ông Y tâm Lĩnh)
Hợp dụng:
- Hoàng cầm làm sứ
- Cùng dùng với Thược dược, Hoàng cầm, Mẫu lệ, Tế tân, Phục linh thì chữa được chứng kinh khiếp giận dữ, cùng khí hồi hộp ở dưới tâm
- Cùng dùng với Tiêu thạch, Tử thạch anh, Đào nhân thì chữa phụ nữ kinh bế
- Cùng dùng với Hoàng cầm, Hoàng liên thì chữa tâm khí gây ra nôn máu và chảy máu mũi.
Kiêng kỵ:
Phàm mọi chứng hư đều cấm dùng, chứng hư hỏa cũng kiêng. Nếu nhiệt ở phần huyết là tà khí hữu hình thì hạ xuống được nhiệt ở phần khí là tà khí vô hình thì không thể công. Trái lại, sẽ làm tổn thương nguyên khí. Chứng huyết bế do huyết khô, huyết bế do huyết hư, cũng như các chứng hư vô hình đều cấm dùng.
Phụ nữ đang hành kinh, có thai và sau sanh không có ứ trệ, thận trọng lúc dùng hoặc kî dùng. Phụ nữ đang cho con bú hạn chế dùng vì có thể gây tiêu chảy cho đứa trẻ.
Chú ý:
- Đại hoàng tẩm, sao có tác dụng trị huyết bế.
- Dùng sống Đại hoàng làm thuốc tả hạ thanh nhiệt
- Sắc đại hoàng nhanh, sắc gần lúc uống.
- Tác dụng phụ chủ yếu do uống liều quá cao gây ra buồn nôn, nôn, đau đầu, bụng trướng, đi ngoài phân lỏng… Thông thường sau khi ngừng thuốc thì các triệu chứng này cũng giảm dần.
Liều lượng: 5 -20g uống cho vào thuốc thang, thuốc tán giảm liều, dùng ngoài lượng vừa đủ.
9. Ứng dụng lâm sàng
9.1.Trị trường vị có thực nhiệt, táo bón:
- Đại thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 – 15g, Hậu phác 8g, Chỉ thực 8g, Mang tiêu 10g ( hòa uống).
- Tiểu thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 – 15g, Chỉ thực, Hậu phác đều 6 – 8g, sắc uống.
- Điều vị thừa khí thang ( Thương hàn luận): Đại hoàng 10 – 15g, Mang tiêu 10g ( hòa uống), Cam thảo 3g, sắc uống.
Trong các bài thuốc trên, Đại hoàng cho vào sau, Mang tiêu tán bột hòa nước uống. Về tác dụng tẩy xổ thì bài Đại thừa khí thang mạnh nhất, bài Điều vị thừa khí thang có Cam thảo điều hoà nên tác dụng nhẹ hơn, lúc dùng tùy tình hình bệnh nhân mà chọn bài thuốc.
9.2.Trị các chứng thực hỏa nhiệt độc gây nôn ra máu, chảy máu cam, răng lợi sưng đau, mắt đỏ xung huyết.:
- Tỳ tâm thang: Hoàng liên 6g, Hoàng cầm 10g, Đại hoàng 12g, sắc uống. Trị chứng thổ huyết, chảy máu cam, viêm màng tiếp hợp, răng lợi sưng đau.
- Đại hoàng Mẫu đơn thang: Đại hoàng 10g, Mẫu đơn bì 12g, Đào nhân, Đông qua tử, Mang tiêu (hòa uống) đều 10g, sắc nước uống. Trị đại tiện táo bón, trường ung ( viêm ruột thừa).
- Đại hoàng tán bột mịn trôïn dầu mè bôi vào chỗ bỏng, nhọt độc.
9.3.Trị chứng kinh bế huyết ứ đau bụng dưới, chấn thương do té ngã:
- Hạ ứ huyết thang: Đại hoàng, Đào nhân đều 10g, Miết trùng 3g, sắc uống.
- Đại hoàng, Đương quy lượng bằng nhau tán bột mịn, 10g x 2 lần/ngày, uống với rượu. Trị bong gân, ứ huyết đau do té ngã, trong uống ngoài xoa.