Bổ Dương Hoàn Ngũ Thang

  Bài thuốc

Phương thuốc này có xuất xứ từ sách Y Lâm Cải Thác của Vương Thanh Nhiệm (1768-1831) – một lương y đời nhà Thanh, Trung Quốc. Bài thuốc hiện nay được đánh giá có tác dụng rất hiệu quả với di chứng tai biến mạch máu não.

Thành phần

Hoàng kỳ (sống) 120g

Đương quy vĩ 8g

Xích thược 6g

Địa long 4g

Xuyên khung 4g

Đào nhân 4g

Hồng hoa 4g.

Hình ảnh Bổ Dương Hoàn Ngũ Thang
Thành phần bài thuốc Bổ Dương Hoàn Ngũ Thang

Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang

Công năng: Bổ khí, hoạt huyết, thông lạc.

Chủ trị: Di chứng trúng phong: Bán thân bất toại, méo mồm, lệch mắt, nói khó, chảy dãi, đái nhiều hoặc đái dầm, rêu lưỡi trắng, mạch hoãn. 

Phân tích phương thuốc: Hoàng kỳ với liều cao để bổ khí của tỳ vị, làm cho khí vượng, thúc đẩy huyết hành khứ ứ mà không làm hại đến chính khí. Quy vĩ để hoạt huyết, khứ ứ song không làm hại huyết. Đào nhân, Hồng hoa, Xích thược giúp Quy vĩ hoạt huyết, khứ ứ. Địa long để thông kinh hoạt lạc. Phương thuốc này phù hợp với chứng bán thân bất toại có chính khí hư làm huyết mạch không thông lợi. 

Gia giảm: 

  • Nếu thấy mắt lệch, mồm méo thì gia thêm Thạch xương bồ, Uất kim, Viễn trí. 
  • Nếu khoé miệng chảy dãi gia thêm Quất hồng, Thạch xương bồ
  • Bán thân bất toại lâu ngày không hồi phục thì gia thêm Xuyên sơn giáp, Địa miết trùng, Thuỷ điệt. 
  • Nếu nhiều đờm đục gia thêm Trúc lịch, Thiên trúc hoàng, Thiên nam tinh
  • Nếu nhức đầu do cao huyết áp gia thêm Cúc hoa, Thạch quyết minh, Trân châu mẫu. 
  • Nếu bứt rứt mất ngủ gia thêm Toan táo nhân, Dạ giao đẳng. 

Ứng dụng lâm sàng: Ngày nay dùng điều trị các bệnh mạch máu não, liệt thần kinh mặt, di chứng bệnh bại liệt, di chứng sau chấn thương não, đau dây thần kinh toạ, viêm dây thần kinh, phế khí thũng.

Tại sao là “Hoàn Ngũ” chữ không phải “Hoàn Ngữ”?

Bài thuốc chữa di chứng tai biến mạch máu não, có thể giúp bệnh nhân không nói có thể nói lại được nên gọi là Hoàn Ngữ mới đúng tại sao lại là Hoàn Ngũ? chữ ngũ (五) và ngữ (語) vốn khác nhau rất nhiều, tại sao có thể nhầm lẫn được? Để giải thích cho điều này chúng ta cần xem lại câu chuyện ra đời Bài thuốc “Bổ dương Hoàn ngũ thang”

Tương truyền, vào những năm Gia Khánh, đời Thanh, Quân cơ Đại thần Lư Âm Phổ (卢荫溥) bị trúng phong bán thân bất toại, méo miệng, chảy nước miếng, nói khó, tiểu tiện không tự chủ, được Hồ thái y do Hoàng thượng phái đến điều trị lâu ngày không đỡ. Lúc này có người tiến cử Vương Thanh Nhậm – một vị lang trung đang hành y ở ngay khu Thái Thị Khẩu trong thành Bắc Kinh đến chẩn trị.
Vương Thanh Nhậm liền nhận lời đến chẩn bệnh, qua tứ chẩn hợp tham, ông chắc bẩm trong lòng rồi sai lấy giấy mực, sau hạ bút ra phương. Lúc này, Lư Âm Phổ cố gặng hỏi: “Theo tiên sinh, đơn thuốc tôi dùng khi trước có phù hợp không? Vương Thanh Nhậm vừa nhìn đơn thuốc mà thái y kê vừa nói: Đương quy thông kinh hoạt lạc, Xích thược, Xuyên khung lợi huyết hoạt huyết, Hồng hoa, Đào nhân hoạt huyết khứ ứ, Địa long hóa ứ thông lạc, đích thực là phương dược giúp hóa ứ thông lạc.” Người nhà lại hỏi: “tại sao Lư đại nhân uống thuốc này lâu ngày mà lại không có chút tác dụng nào?” Vương Thanh Nhậm ung dung đáp rằng: “vì phương này thiếu Quân dược, phương không chủ dược sao có hiệu quả được. Công năng tạng phủ của cơ thể nhờ khí huyết vận hành. Khí là dương, huyết là âm, âm dương điều hòa thì cơ thể bình thường không bệnh. Di chứng bệnh trúng phong thường do khí hư, không có sức thúc đẩy huyết dịch lưu hành, khí trệ huyết ứ gây ra. Phương này thiếu vị Hoàng kỳ, nên thiếu mất thuốc bổ dương trợ khí, nếu trọng dụng Hoàng kỳ, khí hành tắc huyết hành, cơ thể có thể hồi phục”.
Sau khi nghe xong, Lư Âm Phổ và người nhà đều liền thanh thán phục, nên quyết đoán nghe theo ý của Vương Thanh Nhậm cải phương, gia dụng Hoàng kỳ lượng lớn, liền uống 3 thang, triệu chứng thuyên giảm. Sau uống tiếp nửa tháng thì người có thể ngồi dậy đi lại. Rồi Vương Thanh Nhậm ra đơn điều tiết, kết hợp tập luyện, sức khỏe Lư Âm Phổ dần hồi phục như xưa.
Sau truyện này, Hồ thái y rất khâm phục y thuật của Vương Thanh Nhậm nên tới nhà gõ cửa xin thỉnh giáo: “xin hỏi tiên sinh đặt tên phương này là gì? Vương Thanh Nhậm đáp rằng: dương khí cơ thể có 10 phần, tả hữu mỗi bên 5. Phàm một bên tàn phế, là cơ thể mất đi 5 phần dương khí. Phương này ý tại bồi hoàn 5 phần dương khí đó, nên lấy tên là Bổ dương hoàn ngũ thang”. Hồ thái y không lời đáp lại, tự cảm tài học nông cạn, xấu hổ vô cùng.