Hoắc hương là một vị thuốc Nam quý, được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta, có tác dụng rất hữu hiệu trong nhiều bệnh lý khác nhau như nhiễm khuẩn, ho, viêm phế quản, nôn mửa, tiêu chảy, hôi miệng,…
1. Tên gọi: Hoắc hương (藿香), Hợp hương, Tô hợp hương, Hoắc khử bệnh,…
2. Tên khoa học: Agastache rugosa (Fisch et Mey) O.Ktze hoặc là Pogostemon cablin (Blanco) Benth, thuộc họ Hoa Môi (Lamiaceae hay Labiatae).
3. Mô tả:
Hoắc hương là một cây cỏ sống lâu năm, thân có phân nhánh, cao chừng 30cm-60cm, trên thân có lông. Lá vò có mùi thơm. Lá có cuống ngắn, phiến lá hình trứng hay hình thuỗn, dài chừng 5-10cm, rộng 2,5 – 7cm, mép có răng cưa to, mặt dưới nhiều lông hơn. Hoa màu hồng tím nhạt mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành. Tuy nhiên cây trồng ở Việt Nam hầu như không thấy có hoa và kết quả.
Ngoài loài hoắc hương kể trên người ta còn dùng loại hoắc hương Agastache rugosa (Fisch. Et Mey) O. Kuntze cùng họ đó là một loại cỏ sống hàng năm cao chừng 40 – 100cm. Lá hình trứng dài 2 – 8cm, rộng 1-5cm, đầu lá nhọn phía cuống hơi hình tim. Cuống dài 1 – 4cm, mép có răng cưa thô, to. Hoa mọc thành vòng quanh thân ở đầu cành hay kẽ lá. Cánh hoa màu tím hay trắng. Mùa hoa tháng 6 – 7, mùa quả tháng 10 -11. Cây này cũng mọc ở nước ta nhưng ít phổ biến hơn loài trên.
4. Phân bố
Ở Việt Nam: Cây hoắc hương là dược liệu được trồng nhiều nơi ở miền Bắc, chủ yếu lấy lá và cành làm thuốc nhiều nhất tại vùng Kim Sơn (Hà Nam), Hưng Yên.
Ở các nước khác: Ấn Độ, Malaixia, Philipin, Mangat, Indonexia.
5. Thu hái, sơ chế:
Thường thu hái vào tháng 4-6, phơi trong râm cho khô, hoặc sấy nhẹ cho tới khi khô.
6. Bào chế và bảo quản
Bào chế: Rửa nước sạch, suốt bỏ cộng chỉ dùng lá.
Bảo quản: Nơi khô ráo, kín, tránh ánh sáng trực tiếp.
7. Thành phần hóa học
Khoảng 1.2% cây hoắc hương là tinh dầu, trong đó thành phần chính của tinh dầu là alcohol patchoulic, patchoulen, benzaldehyd, eugenol, sesquiterpen, cadinen, epiguaipyridin.
Ngoài ra còn có
Herba Agastaches, Methylchavicol, anethole, anisaldehyde, d-limonene, p-methoxycinnamaldehyde, a-pinene, 3-octanol, p-cymene, 1-octen-3-ol, linalool, beta-humutene,a-ylangene, beta-famesene.
Herba pogostemi-pachouli alcohol, benzaldehyde, eugenol, cinnamic aldehyde pogostol, patchoulipyridine, epiguaipyidine, caryophyllene, beta elemene, alloaromadrene, gamma-patchouleme, beta-gurujunene, a-guaiene balencene, a-gurjunene, gamma-cadinnene, delta-guaiene, a-patchoulene, calamenene.
8. Tác dụng dược lý
Kháng khuẩn: hoắc hương có khả năng kháng những vi khuẩn phổ rộng, ức chế của nhiều vi khuẩn gây bệnh như: tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, Phế song cầu khuẩn, Rhinovirus, Leptospirosis, liên cầu khuẩn tán huyết type A…hoắc hương còn có tính chống thối. Điều trị các bệnh đường hô hấp hen suyễn, viêm phế quản.
Kích thích tiêu hóa: tinh dầu hoắc hương làm tăng khả năng tiết dịch ở dạ dày và hệ tiêu hóa). Điều trị vấn đề tiêu hóa: ợ nóng, tiêu chảy, khí đường ruột.
Giảm đau: Giảm đau trong bệnh Gút, đau đầu, chóng mặt.
Lợi tiểu: Điều trị vấn đề đường tiết niệu: sỏi bàng quang, sỏi thận, đau, sưng bàng quàng.
Tác dụng lên hệ thần kinh: làm giảm Căng thẳng kéo dài, lo lắng, động kinh. Điều trị đau dây thần kinh
9. Hoắc hương trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị cay khí ôn không độc. Khí hậu vị bạc, tính nổi mà đưa lên, thuộc loại dương dược
Quy kinh: kinh Thủ Thái âm Phế và Túc Thái âm Vị, Túc Dương minh Đại Trường.
Công năng: hóa thấp giải biểu tiêu thử, chỉ ẩu (cầm nôn), trị tiên (chàm), Thăng thanh, giáng trọc, tránh uế, chỉ ẩu, hòa khí, hóa thấp, tỉnh tỳ, hòa vị
Chủ trị: thấp trở trung tiêu, thử thấp, thấp ôn, nôn mửa, chàm lở tay chân (thủ tiên, cước tiên).
“Chữa Hoắc loạn, ngăn nôn mửa. Khai vị khiến ăn ngon, trị miệng hôi khó chịu, tiêu chứng phù nề phong thủy sưng lan dần. Vì khí của nó thơm nên trừ được mọi tà khí ; vì tính cay ôn nên chữa mọi chứng nôn mửa, nhưng nôn mửa vì dạ dày nhiệt và yếu thì không nên dùng ; nếu gặp chứng đau bụng vì lạnh, vì uế bản thì nó thực là vị thuốc chủ yếu, lại còn có khả năng phát ra mồ hôi, tán hàn thấp, trừ chướng khí, ngăn sốt rét, ăn khỏe. Người âm hư hỏa vượng dạ dày nhiệt mà nôn mửa thì kiêng dùng nó.”
(Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng Lãn ông Y Tâm lĩnh)
Kiêng kỵ: Âm hư, không có thấp, Vị có uất nhiệt.
Liều lượng: 5 – 10g. Dùng tươi lượng gấp đôi, có thể hãm nước sôi uống.
10. Ứng dụng lâm sàng
Trị chứng ngoại cảm hàn thấp: đau đầu, tức ngực, bụng đầy, tiêu chảy phân lỏng, hoặc nôn, buồn nôn (viêm đường ruột cấp biểu hàn nội thấp).
- Bài Hoắc hương chính khí tán (Hòa tễ cục phương): Hoắc hương, Đại phúc bì, Phục linh, Khương Bán hạ đều 10g, Bạch chỉ, Tô tử, Hậu phác, Cát cánh, Sinh khương đều 6g, Trần bì 5g, Cam thảo 3g, Đại táo 10g, sắc uống.
- Hoắc hương, Bội lan đều 10g sắc uống. Trị thương thử mùa hè, nặng đầu, ngực tức, buồn nôn, không thích ăn.
Trị chứng nôn do thấp hàn bên trong:
- Hoắc hương Bán hạ thang: Lá Hoắc hương, Chế Bán hạ, Trần bì đều 10g, Đinh hương 2g, sắc uống.
- Hoắc hương, Chế Bán hạ đều 10g, Thương truật, Trần bì đều 6g, sắc uống. Trị viêm đường ruột cấp thể hàn thấp.
- Hoắc hương ẩm: Lá Hoắc hương, Đảng sâm, Xích Phục linh, Thương truật, Hậu phác đều 10g, Trần bì 5g, Bán hạ 5g, Cam thảo 3g, Gừng tươi 3 lát, sắc uống nóng.
Trị đau bụng do tỳ vị khí trệ: Hoắc hương, Hậu phác, Mộc hương, Chỉ thực đều 10g, Sa nhân 5g, Trần bì 3g, sắc uống.
Trị viêm mũi, viêm xoang mũi mạn: Hoắc hương 120g tán bột, gia Mật heo vừa đủ làm hoàn (Hắc đởm hoàn) mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần với nước sôi ấm, dùng liền trong 2 – 4 tuần.
Trị chàm lở (chàm tay chân): Hoắc hương độc vị hoặc phối hợp với Đại hoàng, Hoàng tinh, Tao phàn đều tán bột trộn đều, ngâm giấm 1 tuần bỏ xác. Ngâm tay chân đau vào trong nước thuốc, ngày 1 lần 30 phút.
Trị ăn uống không tiêu, sôi bụng: Hoắc hương, Thạch xương bồ, Hoa cây Đại đều 12g, vỏ Bưởi đào đốt cháy 6g. Tất cả tán nhỏ, mỗi lần 2g uống trước bữa ăn 20 phút với nước nóng, ngày uống 3 lần.
Hoắc hương là vị thuốc trị nôn có hiệu nghiệm nhưng phải tùy chứng mà gia vị như thấp nhiệt gia Hoàng liên, Trúc nhự; Tỳ vị hư gia Đảng sâm, Cam thảo; nôn do thai nghén gia Bán hạ, Sa nhân.