Là một loại thảo dược gần gũi với đời sống, kỷ tử có nhiều tác dụng tốt với cơ thể. Tuy nhiên, loại thảo dược này không phải ai cũng phù hợp sử dụng, vì vậy cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng.
1. Tên gọi khác: Kỷ tử, Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, 枸杞子
2. Tên khoa học: Fructus Lycii Chinensis thuộc họ Cà ( Solanaceae).
3. Mô tả cây: Cây kỷ tử nhỏ, cao từ 0,5-1,5m, chia cành nhỏ, cây có gai ngắn tầm 5cm mọc ở kẽ lá. Cuống lá ngắn chỉ tầm 2-6mm, lá mọc so le, một số mọc vòng tại ngọn. Lá hình mác, hẹp dần về cuống và ngọn lá, hơi nhọn, dài khoảng 2-6cm, rộng từ 0,62-5cm, mép lá thẳng không răng cưa. Hoa nhỏ màu tím đỏ mọc đơn độc ở kẽ lá hoặc có một số hoa mọc tụ lại. Quả mọng hình trứng dài 0,5-2cm, đường kính 4-8mm. Khi chín có màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ. Mùa hoa: tháng 6-9, mùa quả: tháng 7-10.
4. Bộ phận dùng: Quả gọi là câu kỷ tử, vỏ rễ gọi là Địa cốt bì.
5. Phân bố và thu hái
Ở Việt Nam: ở tại các vùng núi cao vùng giáp biên giới Trung Quốc
Ở Trung Quốc: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam đều có.
Ngoài ra cây còn mọc và được trồng ở Nhật Bản, Triều Tiên.
Hái quả cần hái vào sáng sớm hoặc chiều mát, nếu vào giữa trưa nóng quá có thể bị kém chất. Thu hái về rửa sạch, phơi trong bóng râm đến khi quả bắt đầu nhăn thì đem ra phơi chỗ nắng đến khi thật khô.
6. Bào chế và bảo quản
Bào chế: Bỏ cuống, tẩm rượu 1 ngày sau đó phơi khô (Có thể dùng sống)
Bảo quản: Để kín hơi nơi khô ráo, nếu bị thâm đen đem xông diêm sinh hoặc phun rượu, sao lên sẽ trở lại màu đỏ.
7. Thành phần hóa học: Carotene, thiamene, riboflavin, vitamin C, b-sitosterol, linoleic acid.
8. Tác dụng dược lý:
Tăng cường miễn dịch không đặc hiệu. Trên súc vật thực nghiệm có tác dụng khả năng thực bào của hệ lưới nội mô, kết quả nghiên cứu gần đây cho biết Kỷ tử có tác dụng nâng cao khả năng thực bào của tế bào thực bào, tăng số lượng và hiệu giá kháng thể, chứng tỏ Kỷ tử có tác dụng tăng cường tính miễn dịch của cơ thể, thành phần có tác dụng là Polysaccharide Kỷ tử.
Tạo máu: Tăng cường chức năng tạo máu trên thí nghiệm với chuột nhắt.
Chống lão hóa: Thuốc có tác dụng hạ cholesterol của chuột cống, chất Betain của thuốc có tác dụng bảo vệ gan chống thoái hóa mỡ, hạ đường huyết.
Đối giao cảm thần kinh thực vật: Chất chiết xuất nước của thuốc có tác dụng hạ huyết áp, ức chế tim, hưng phấn ruột ( tác dụng như cholin), chất Betain thì không có tác dụng này.
Tăng co bóp tử cung: Nước sắc Kỷ tử có tác dụng hưng phấn tử cung cô lập của thỏ.
Hỗ trợ điều trị ung thư: Thuốc có tác dụng ức chế ung thư đối với chuột nhắt S180. Các tác giả Nhật bản có báo cáo năm 1979 là: lá và quả Kỷ tử có tác dụng ức chế tế bào ung thư trong ống nghiệm. Các tác giả Trung quốc trên thực nghiệm cũng phát hiện thuốc lá ( lá, quả và cuống quả của Kỷ tử Ninh hạ) có tác dụng ức chế ở mức độ khác nhau hai loại tế bào ung thư ở người.
9. Câu kỷ tử trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị đắng ngọt, bình, không độc.
Quy kinh: Túc Quyết âm Can, Túc Thiếu âm Thận, Thủ Thiếu âm Phế.
Công năng: tư bổ can thận, sinh tinh huyết, minh mục, nhuận phế, trừ phong,bổ gân cốt.
Chủ trị: chứng can thận âm hư, âm huyết hư tổn, chứng tiêu khát, hư lao khái thấu, di tinh.
“Chữa tà khí trong 5 tạng, tiêu khát, nóng ở trung tiêu, tê ở khoảng thớ thịt trong huyết mạch và phong thấp, nội thương lao tổn nặng, hạ khí ở ngực sườn, khách nhiệt nhức đầu, thông lợi đại tiểu trường, giữ vững tinh tủy, sáng mắt, khỏe gân xương, tráng dương. Thuốc bổ, thuốc phòng đều dùng nó. Càng thích hợp với người già dương hư, công năng chuyên về bổ thận nhuận gan, thêm tính mạnh âm, không nhiệt, không táo, uống lâu nhẹ mình, chịu đựng được rét và nắng.”
(Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng Lãn ông y Tâm Lĩnh)
Kiêng kỵ:
- Kỷ tử có tính chất nê trệ nên thận trọng đối với những người tỳ vị hư yếu, tiêu chảy kéo dài.
- Tỳ vị suy nhược, tỳ hư thấp trệ tiêu chảy cấm dùng, có ngoại tà thực nhiệt cấm dùng
- Tuổi trẻ có chứng hỏa thì chớ dùng
Liều lượng: 8 – 24g, ngoài thuốc thang còn có thể dùng ngâm rượu, dùng độc vị.
10. Ứng dụng lâm sàng
Trị bệnh về gan ( viêm gan mạn, xơ gan thuộc thể âm hư): thuốc có tác dụng bảo vệ gan, thường phối hợp với Đương quy để bổ huyết; Sa sâm, Mạch môn để tư âm; Xuyên luyện tử để thư can, dùng bài:
Nhất quán tiển ( Liễu châu y thoại): Bắc sa sâm 12g, Mạch môn 12g, Đương qui 12g, Kỷ tử 12 – 24g, Sinh địa 24 – 40g, Xuyên luyện tử 6g, sắc nước uống.
Trị chứng suy nhược, thận hư, lưng gối nhức mỏi, di tinh, huyết trắng nhiều: thường phối hợp với Thục địa, Đỗ trọng, Nữ trinh tử, dùng bài Tả qui hoàn ( Cảnh nhạc toàn thư): Thục địa 320g, Sơn dược (sao) 160g, Câu kỷ tử 160g, Sơn thù nhục 160g, Xuyên Ngưu tất 120g, Thỏ ty tử 160g, Lộc giao ( sao) 160g, Qui bản ( sao) 160g, tất cả tán bột mịn làm hoàn, mỗi lần uống 12 – 16g, trường hợp ho lao lâu ngày thêm Mạch môn, Ngũ vị tử.
Dùng trong bệnh nhãn khoa, trị chứng hoa mắt, thị lực giảm sút, cườm mắt tuổi già, đục thủy tinh thể: thường phối hợp với Cúc hoa, bài thuốc:
- Kỷ cúc địa hoàng hoàn ( Y cấp) tức bài Lục vị gia Kỷ tử Cúc hoa.
- Cúc thanh thang: Cúc hoa 8g, Kỷ tử 20g, Nhục thung dung 12g, Ba kích thiên 8g, sắc nước uống.
Trị nam giới suy sinh dục ( vô sinh): Mỗi tối nhai ăn Câu kỷ tử 15g, liệu trình 1 tháng, thường sau khi tinh dịch trở lại bình thường, uống thêm 1 tháng. Thời gian uống thuốc, kiêng phòng dục. Đã trị 42 ca sau 1 liệu trình hồi phục bình thường 23 ca, sau 2 tháng bình thường 10 ca, có 6 ca không kết quả vì không có tinh trùng, 3 ca không kết quả, theo dõi sau 2 năm tinh dịch trở lại bình thường 33 đã có con ( Động Đức Vệ và cộng sự, Kỷ tử trị vô sinh nam giới, Báo tân trung y 1988,2:20).
Trị viêm teo bao tử mạn tính: dùng Kỷ tử rửa sạch, sao khô, giã nát, đóng gói. Mỗi ngày uống 20g, chia làm 2 lần lúc bụng đói và nhai uống, 2 tháng là 1 liệu trình. Trong thời gian uống thuốc, ngưng tất cả các loại thuốc khác. Đã trị 20 ca, theo dõi 2 – 4 tháng, có kết quả tốt 15 ca, có kết quả 5 ca ( Trần thiệu Dung và cộng sự. Báo cáo 20 ca viêm teo bao tử mạn tính điều trị bằng Câu kỷ tử, Tạp chí Trung y 1987,2:92).
Trị thận hư, tinh thiếu, lưng đau, vùng thắt lưng đau mỏi: Câu kỷ tử, Hoàng tinh, 2 vị bằng nhau, tán bột, luyện mật làm viên, mỗi lần 12g, ngày uống 2 lần với nước nóng (Câu Kỷ Hoàn – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách)..
Trị Can Thận âm hư, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, mắt mờ, hoa mắt, hoặc đau rít sáp trong mắt: Câu kỷ tử, Cúc hoa mỗi thứ 12g, Thục địa 16g, Sơn dược mỗi thứ 8g, Phục linh, Đơn bì, Câu kỷ tử mỗi thứ 6g. Tán bột trộn làm viên. Mỗi lần uống 12g ngày 2 lần, với nước muối nhạt (Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn – Cảnh Nhạc Toàn Thư).
Trị suy nhược vào mùa hè, không chịu nổi với thời tiết: Câu kỷ tử, Ngũ vị tử, tán bột pha nước sôi uống thay trà (Nhiếp Sinh Chúng Diệu Phương).
Trị suy nhược, thận hư, hoa mắt, mắt mộng thịt: Cam câu kỷ tử 1 cân, ngâm cho thấm với rượu ngon rồi chia làm 4 phần, 1 phần sao với 40g Thục tiêu, 1 phần sao với 40g Tiểu hồi hương, 1 phần sao với 40g Chi ma (mè), 1 phần sao với Câu kỷ không thôi. Thêm Thục địa, Bạch truật, Bạch phục linh mỗi thứ 40g, tán bột, luyện mật làm viên uống hằng ngày (Tứ Thần Hoàn – Thụy Trúc Đường Kinh Nghiệm Phương).
Rượu Khởi tử: Khởi tử 600g, rượu 35 – 40 độ 2 lít. Giã nhỏ Khởi tử, cho rượu vào ngâm trong 2 tuần lễ trở lên, lọc lấy rượu mà uống, ngày uống 1 – 2 cốc làm thuốc bổ.
Chữa di tinh: Khởi tử 6g, Ngũ vị tử 2g, Nhục thung dung 2g, Sinh khương 2g, Cam thảo 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
11. Hắc kỷ tử (黑杞子)
Hắc kỷ tử là một cây bụi gai phân bố rải rác ở Trung Quốc địa phận tỉnh Cam Túc, miền tây Thanh Hải, Ninh Hạ, Tân Cương, tỉnh Hắc Long Giang, miền tây Nội Mông và Tây Tạng.
Về tính vị, quy kinh, công năng, chủ trị thì giống Câu Kỷ tử song lượng hoạt chất thì mạnh hơn.
Song Hắc kỷ tử có chứa lượng OPCs (Oligomeric Proanthocyanidins) rất lớn. OPCs là bioflavonoids (các hợp chất thực vật phức tạp) có tác dụng chống oxy hóa mạnh nhất trong các hợp chất hữu cơ.
Hắc kỷ tử có thể dùng để ăn trực tiếp, nấu cháo, hầm cùng các vị khác. Cũng có thể ngâm rượu, hãm trà.
Liều dùng: 8-20g một ngày.
Chú ý: Không nên dùng nước lạnh hoặc nước sôi nhiệt độ quá cao để pha trà hắc kỷ tử bởi nó sẽ phá hủy hoạt chất trong hắc kỷ tử Tây Tạng.