Giun đất

  Động vật

(Địa long)

Giun đất là một loài động vật gần gũi, được biết đến từ lâu đời có công dụng làm thuốc trị nhiều chứng bệnh thường gặp như Tăng huyết áp, liệt nửa người,…

Hình ảnh giun đất
Giun đất

1.Tên gọi khác: Địa long, Khâu dẫn, Giun khoang, Thổ long, Trùn hổ, Quảng địa long, 蚯蚓.

2.Mô tả: Thân giun có hình trụ tròn và thường dài khoảng 8 – 20cm, đường kính 0,5- 1,5cm, loài Pheretima aspergillum E. Perrier sống ở rừng có thân dài 11 – 38cm, đường kính 0,5 – 1,5cm. Có khoang cổ và nhiều vùng đốt rất sét nhau. Da trơn bóng, có 4 đôi lông cứng giúp giun di chuyển. Phần đầu to hơn phần đuôi. Toàn thân màu nâu vàng hay nâu đỏ hoặc đen sẫm ở phía lưng .

3.Thu bắt: Chọn loại có khoang cổ và già. Hay gặp nơi mô đất ẩm, đền đình chùa, gốc bụi chuối lâu năm. Lấy nước lá Nghễ răm hay nước Bồ kết, nước Chè, ngâm nước đổ lên đất thì iun sẽ nổi lên trên. Bắt bỏ nó vào thùng có có lá tre, rơm hoặc tro, rồi rửa sạch bằng nước ấm cho sạch chất nhớt, ép đuôi vào gỗ sau đó mổ dọc thân giun, rửa sạch đất trong bụng, phơi hoặc sấy khô cất dùng. Không dùng giun bò trên mặt đất.

4. Bào chế và bảo quản:

1- Khi dùng Khâu dẫn, nếu muốn uống phải dùng khô, sao cho khô và làm vụn đi (Danh Y Biệt Lục).

2- Dùng 16 lượng Địa long, ngâm nước vo gạo 1 đêm, vớt ra để khô tẩm rượu một ngày sấy khô, rồi sao chung với Xuyên tiêu, gạo Nếp, mỗi thứ 2 chỉ rưỡi. Hễ gạo nếp chín vàng là được (Lôi Công Bào Chế).

3- Khi dùng sậy khô tán bột, hoặc trộn muối vào cho hóa ra nước, hoặc đốt tồn tính, tùy theo trường hợp mà dùng (Bản Thảo Cương Mục).

4- Ngày nay người ta dùng bằng cách sau khi chế sơ chế xong tẩm rượu hoặc tẩm gừng sao qua tán bột để dùng (Trung Dược Đại Từ Điển).

Bảo quản nơi khô ráo, độ ẩm thấp.

Hình ảnh Dược liệu Địa long
Dược liệu Địa long

5. Thành phần hoá học chính :

Lumbroferine, lumbritin, terrestro-lumbrolysin, hypoxanthine, xanthine, adenine, guanine, choline, guanidine, nhiều loại acid amin, vitamin và muối vô cơ.

6. Tác dụng dược lý

  1. Thuốc có tác dụng hạ nhiệt an thần, thuốc làm giãn phế quản nên có tác dụng hạ cơn suyễn.
  2. Thuốc có tác dụng hạ huyết áp chậm mà lâu dài, có thể do làm giãn mạch nội tạng.
  3. Thuốc có tác dụng kháng histamin và chống co giật.
  4. Thuốc làm tăng hoạt tính dung giải của fibrin, chống hình thành huyết khối. Có tác dụng hưng phấn tử cung, chất chiết xuất diệt tinh trùng.
  5. Thuốc có tác dụng phá huyết ( theo báo cáo của nhà nghiên cứu Nhật bản Bát mộc -1911) thì chất lumbritin có tác dụng phá huyết.

7. Địa long trong y học cổ truyền

Khí vị: Vị mặn,tính hàn.

Quy kinh: Túc Quyết âm Can, Túc Thái Âm tỳ, Túc Thái Dương Bàng Quang.

Công năng  thanh nhiệt tức phong, bình suyễn, thông lạc, lợi tiểu

Chủ trị: nóng sốt phát hoảng, cơn suyễn phế nhiệt, ho gà, phong thấp nhiệt tý, phong hàn thấp tý, trúng phong bán thân bất toại, gãy xương sưng đau, nhiệt kết bàng quang, sa thạch lâm.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, người hư hàn không thực nhiệt.

Liều lượng: 4-12g

8.Ứng dụng lâm sàng

Chữa hen và viêm phế quản :

Địa long 10g, Hoa cúc bách nhật 10g, Tỳ bà diệp 10g, Ma hoàng sao 6g, Hạnh nhân 10g, sắc uống mỗi ngày một thang.

Điều trị chứng tăng huyết áp : Địa long 10g, sắc nước uống hoặc tán bột để nuốt. Nếu liệt nửa người gia thêm Đương quy 15g, Xích thược 15g, Xuyên khung 10g, Hồng hoa 5g , sắc nước uống. Hoặc dùng bài Quảng địa long 10g, Nga bất thực thảo 12g, Câu đằng 12g, Kim ngân hoa 10g, Cúc hoa 10g, Bạc hà 5g. Sắc uống ngày một thang .

Trị cao huyết áp : Địa long 6g, Thiên ma 6g, Hy thiêm 12g, Cúc hoa 12g, Bạch đồng nữ 16g, Câu đằng 16g, Bạch tật lê 16g, Sinh mẫu lệ 40g, Trân châu mẫu 40g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, một liệu trình 3 – 4 tuần lễ .

Chữa viêm phế quản mạn ở người già : Địa long 5g. Lá Ngọc lan tươi, Lá Gừa mỗi vị 30g, sắc nước và chia làm hai lần uống sáng chiều.

Chữa trẻ em sốt cao co giật : địa long 6 con rửa sạch bằng nước sôi, hãm với 50ml nước sôi, uống ấm, hoặc Quảng địa long 12g, Liên kiểu 12g, Câu đằng 16g, Kim ngân hoa 16g, Bọ cạp 4g. Đem sắc uống .

Chữa sốt rét : Địa long 12g, Vỏ thân xoan 12g , Hậu phác nam 12g , Gừng 8g, Trần bì 8g, Dây thần thông 8g . Dược liệu phơi khô tán nhỏ , rây bột mịn trộn với hồ làm thành viên, uống hết trong ngày .

Nhọt, viêm vú giai đoạn đầu : Quảng địa long tươi 10g , bỏ nội tạng, chất tiết, gia đường trắng, cho vào bát, đậy lại khoảng 4 giờ, mang bôi lên chỗ đau, nước uống .

Nhiệt kết, bụng dưới đau tức, tiểu ít, tiểu đau : Quảng địa long 15g, sắc

Chữa bế kinh : Quảng địa long 3 con , cho vào đồ gốm ( ngói ) sấy đến vàng, tán bột, uống với rượu .

Chữa viêm phổi : Quảng địa long 10g, Xuyên tâm liên 15g, Lá quýt 6g, sắc nước uống.

Chữa hen suyễn : Địa long sấy khô, nghiền thành bột mịn, cho vào viên nang, mỗi lần uống 3 viên, ngày 2 lần, uống với nước ấm.

Chữa sốt cao co giật, bứt rứt, khó chịu : Địa long 9g, Câu đằng 15g, Kim ngân hoa 12g , Liên kiều 9g, Sinh thạch cao 30g, Toàn yết 4,5g , sắc nước uống .

Trị trúng phong:  tai biến mạch máu não, bản thân bất toại, miệng, mắt méo xệch, nói ngọng : Địa long 4g , Xuyên khung 4g , Đào nhân 4g , Hồng hoa 4g, Xích thược 6g, Đương quy 8g, Hoàng kỳ 15g. Ngày một thang, sắc uống chia 3 lần.