Đại Hồi

  Thuốc bắc, Thuốc nam

Vừa là một loại gia vị vừa là một thảo dược quý có nhiều công dụng tốt với các bệnh mãn tính.

1. Tên khác: Hồi, Đại hồi,  Đại hồi hương Bát giác hồi hương, 大嶼八角

2. Tên khoa học: illicium verum Hook. f et Thoms thuộc họ Hồi – llliciaceae.

3. Mô tả:

Hồi thuộc dòng cây thân gỗ cỡ nhỡ, cao từ 6-10m. Thân không sần dáng thẳng đường kính lớn, cành nhẵn, vỏ cây chuyển từ màu lục nhạt sang màu nâu xám khi già. Lá hình mác hoặc trứng thuôn mọc so le. Hoa mọc ở nách lá, cuống hoa to nhưng ngắn; có 5 lá đài màu trắng có mép màu hồng; 5-6 cánh hoa đều nhau màu hồng thẫm. Quả kép hình sao gồm 6-8 đài (có khi hơn), lúc non màu lục, khi già màu nâu sẫm, có mũi nhọn ngắn ở đầu. Hạt hình trứng, nhẫn bóng.

Hoa hồi

Mùa hoa tháng 3-5, mùa quả tháng 6-9.

4. Bộ phận dùng: Quả chín

5. Phân bố và thu hái

Ở Việt Nam: Các tỉnh Đông Bắc Việt Nam như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Ở các nước khác: Trung Quốc: Quảng Tây, Quảng Đông ;  Philippin và Jamaica.

Vào tháng 7-9 và 11-12, người ta thu hái quả chín, đem tách quả ra từng mảnh bỏ hạt, rửa sạch, phơi trong mát cho khô.

6. Bào chế và bảo quản

Tẩm rượu qua đêm, sao vàng.

Bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp

Hình ảnh Hồi Hương
Hồi Hương

7. Thành phần hóa học

Trong quả Hồi, ngoài các chất như chất nhày, đường chủ yếu là Tinh dầu khoảng 3 – 5% (tươi) hoặc 9 – 10% (khô). Trong tinh dầu có 80 – 90% anethole, còn lại là Pinene, terpene, dipentene, limonene, estragola, safrola, terpineola v.v.

8. Tác dụng dược lý

Anethole làm tăng nhu động dạ dày và ruột, làm dịu cơn đau bụng, tăng tiết dịch đường hô hấp do kích thích các tế bào tiết dịch, có thể dùng làm thuốc hóa đàm.

Chất cồn chiết Đại hồi invitro có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, cầu khuẩn viêm phổi, trực bạch hầu, trực khuẩn subtilis, thương hàn, phó thương hàn, trực khuẩn lî. Thuốc cũng có tác dụng ức chế một số nấm gây bệnh ngoài da.

9. Đại hồi trong y học cổ truyền

Khí vị : Khí thơm, vị cay, tính ấm, không có độc.

Quy kinh: tâm, thận, Vị, tiểu trường và bàng quang.

Công năng: tán hàn, ấm can, ôn thận chỉ thống và lý khí khai vị.

Chủ trị: các chứng hàn sán phúc thống (sa ruột bụng đau do hàn), sa bọc tinh hoàn, thận hư đau vùng thắt lưng, vùng bụng trên đau do lạnh, nôn ăn ít.

“Khai thông cho hai kinh ở trên và dưới để hồi dương tán hàn, lại chỉ thống sinh ra non, bổ sự bất túc của mệnh môn, trợ giúp cho tình trạng dương sự không cử được, chữa chứng can cước khí thấp cước khi bàng quang có khí lạnh, sưng đau và đau bụng, sán khí hoắc loạn, chứng khí mửa ói, trị tất cả các chứng thận lạnh, tỳ hàn, bụng đau như dao cắt, trừ tất cả mọi thối và hôi miệng, eo lưng đau nhức như đá đeo, đại để là thuốc chủ yếu để trừ hàn tán kết, mọi chứng sán và hoắc loạn, phải cần dùng vị cay thơm của nó để thích ứng với dạ dày, tính ấm áp của nó để thích ứng với thận tạng , chủ trị không ngoài hai kinh ấy.

( Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng Lãn ông y tâm lĩnh)

Kỵ dùng: Phế và vị có nhiệt và nhiệt độc thịnh quá thì chớ dùng , hay là chứng cường dương mà thượng bộ có hỏa chứng thì không được dùng bừa. Cẩn trọng với người âm hư hỏa vượng.

Liều lượng: 3 – 8g.

10. Ứng dụng lâm sàng

Trị chứng sán khí (sa ruột) đau hoặc bao tinh hoàn có nước (hydrocele testis): có thể dùng cùng với Tiểu hồi làm ấm can thận hoặc phối hợp với Lệ chi hạch cùng sao tán bột mịn uống với rượu hoặc phối hợp với Xuyên luyện tử, Ô dược để hành khí; với Ngô thù du, Nhục quế để làm ấm tỳ thận.

Trị chứng đau vùng thắt lưng do thận dương hư: thuốc có tác dụng làm ấm lưng gối. Sách Bản thảo cương mục có ghi: trường hợp đau lưng như đâm chích dùng thuốc sao tán bột uống với nước muối.

Trị đau vùng thượng vị do lạnh: nôn, kém ăn, phối hợp với Mộc hương, Sa nhân, Can khương.

Cảm hàn, đau bụng thổ tả: Dùng Hồi hương tán bột uống mỗi lần 2g với rượu, ngày uống 3,4 lần. Hoặc dùng tinh dầu Hồi uống mỗi lần 4 giọt, ngày uống 3-4 lần.

Miệng hôi, thở hôi: Dùng hoa Hồi nhai nuốt, mỗi ngày vài cánh.

Đau lưng: Hồi (bỏ hạt) tẩm nước muối sao, tán nhỏ, mỗi lần dùng 6-10g với rượu. Ngoài dùng lá Ngải cứu chườm nóng vào lưng.

Chữa cổ trướng và thũng trướng mạn tính: Dùng Hồi hương 2g và hạt Bìm bìm 8g, tán bột, chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Uống trong 3-4 ngày liền.

Đại tiểu tiện không lợi: Hồi và Bìm bìm như trên tán bột mỗi lần uống 4g với nước gừng.