Hải Quỳ là một loài sinh vật biển. Chữ Quỳ có nghĩa là hoa, loài này mang hình dáng giống một bông hoa nên được gọi với tên khác là Hoa của biển cả.
Tên khác: Hoàng hải quỳ, Hải cúc hoa, Hải đĩnh căn, Sa đồng.
Tên khoa học: Anthopleura xanthogrammica Berkly, họ Hải quỳ ( Actiniidae ). Hải quỳ thường sống thành tập đoàn, có ở nhiều địa phương miền biển nước ta.
Mô tả: Là động vật thân mềm, là sinh vật “nửa cây, nửa con” cấu tạo bởi nhiều xúc tu, săn mồi, ăn cá, giun, cua và các sinh vật. Hải quỳ thường có dáng những bông hoa màu sắc khác nhau, thường nâu xám hoặc vàng nhạt, sống bám vào đá, ở các rạn san hô vùng nước nông. Hải quỳ có khả năng tái sinh khi bị cắt.
Bộ phận dùng: Cả con, thường dùng tươi, thu hoạch quanh năm, thu về loại bỏ cát sỏi, rửa sạch, đem dùng.
Thành phần hoá học chính: Protid, các chất khoáng.
Công dụng: Hải quỳ vị mặn, tính bình, có tác dụng thu liễm cố sáp, khứ thấp sát trùng, dùng chữa trĩ, thoát giang, bạch đới, giun kim.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng một con, dạng thuốc sắc, dùng tươi, dùng ngoài, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa lở trĩ chảy máu, thoát giang, bạch đới: Hải quỳ tươi 1 con, cắt xẻ chỗ dày cho nhỏ hơn, loại bỏ cát, hầm uống, dùng khoảng 4 lần là có kết quả.
2. Chữa trĩ lở loét, thoát giang: Hải quỳ tươi 1 con, rắc thêm một lượng nhỏ băng phiến chế thành nước bôi vào chỗ trĩ mỗi ngày 2 lần, bài liên tục trong 10 ngày.
3. Chữa giun kim: Hải quỳ lượng vừa đủ, đem đắp hậu môn vào buổi tối.
4. Chữa bạch đới quá nhiều: Hải quỳ tươi 1 con, Trứng gà 1 cái, bổ sung thêm 15 ml rượu, hầm kỹ uống, mỗi ngày một lần, uống 3 lần là có hiệu quả.
Ghi chú: Các tập đoàn Hải quỳ là môi trường sinh trưởng phát triển của nhiều sinh vật biển, tránh thu bắt số lượng lớn.