Ốc sên sinh trưởng, phát triển khắp nơi ở nước ta, loài này gây hại cho hoa màu và cây cối nên thường xuyên bị người nông dân tiêu diệt, song nó cũng là một vị thuốc có tác dụng rất tốt trong Đông y.
Tên khác: Ốc sên lớn, Oa ngưu
Tên khoa học: Achating fulica Bowdich, thuộc họ Ốc sên (Achatinidae). Ố
Mô tả: Ốc sên là động vật thân mềm (nhuyễn thể), vỏ to, dày. Đầu có 2 xúc tu (râu), toàn thân liền trong vỏ bao bọc bởi một lớp nhày. Ốc sên sống trên cạn, ưa thích nơi gốc cây ẩm ướt. Ốc sên có 2 mắt ở 2 đỉnh râu. Trọng lượng trung bình mỗi con từ 50 – 60g.
Bộ phận dùng: Thịt và nhớt của con Ốc sên hoa.
Thành phần hoá học chính: Protid, chất nhầy.
Công dụng: Bổ dưỡng, giải độc, tiêu viêm, lợi tiểu, chống co thắt, chữa cổ họng sưng đau, tràng nhạc, chữa kiết lỵ, rết cắn.
Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 30 – 60g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
Chữa cổ họng sưng đau, khó nuốt: Ốc sên hoa (2 con), lấy thịt nướng vàng, thái nhỏ, nấu kỹ, lấy nước đặc, trộn với bột Ô mai làm thành dạng viên ngậm.
Giảm đau nhức khi bị rết cắn: Nhớt ốc sên hoa bôi lên vết cắn.
Chữa kiết lỵ, tiêu chảy: Thịt ốc sên hoa phơi khô 15g, sao cháy, sắc nước uống ngày 3 lần, dùng liên tục 3 – 5 ngày.
Chữa hen suyễn, thấp khớp: Ốc sên hoa (2 con), lấy thịt nướng vàng, thái nhỏ, nấu lấy nước đặc, trộn với măng tre (50g) đã giã nát, ép lấy nước cốt, uống ngày 1 – 2 lần.
Chữa tràng nhạc: Thịt ốc sên hoa tươi 60g (hoặc khô 30g), thái nhỏ, nấu chín kỹ với thịt lợn nạc (100g), ăn trong ngày.
Lưu ý: Họ Ốc sên có nhiều loại, phổ biến là Ốc sên hoa (Achatina flica Bowdịch). Ốc sên thường mang ấu trùng giun lươn (Angiostrongylus cantonensis Chen) gây viêm não do ký sinh trùng và là đường truyền rất nhiều bệnh ký sinh trùng khác. Khi dùng thịt Ốc sên cần thái nhỏ nấu chín kỹ, không nên sử dụng dịch nhầy của Ốc sên để bôi ngoài.