Lục Vị Hoàn tên đầy đủ là Lục Vị Địa Hoàng Hoàn, xuất phát từ cuốn “Tiểu nhi dược chứng trực quyết“, được gia giảm từ bài Bát Vị Quế Phụ Hoàn, là bài thuốc điều trị thân âm hư có thể biến đổi rất nhiều để điều trị nhiều bệnh khác như tiểu đường, tăng huyết áp, di tinh, yếu sinh lý, liệt dương, vô sinh,…
Thành phần Lục Vị Hoàn:
Vị thuốc | Hàm Lượng | Tỉ Lệ |
Thục địa | 32g | 8 |
Sơn thù | 16g | 4 |
Hoài sơn | 16g | 4 |
Phục linh | 12g | 3 |
Trạch tả | 12g | 3 |
Đan bì | 12g | 3 |
Cách dùng Hoàn Lục Vị
Dùng dạng Hoàn: Mỗi lần uống 8 – 12g hoàn. Ngày 1 – 2 lần, với nước ấm hoặc nước muối loãng.
Chuẩn bị:
- Nguyên liệu: mật ong, thành phần bài thuốc theo tỷ lệ trên
- Dụng cụ: nồi, chậu, khuôn làm hoàn, bao tay nilon,…
Các bước làm:
- Tán thuốc: Nghiền nhỏ các vị thuốc trong bài, trộn đều lại với nhau.
- Luyện mật: đổ mật ong vào nồi, nên chọn nồi có thành cao, lượng mật đun chỉ nên bằng ½ chiều cao của nồi (tránh bị trào bọt). Đun nhỏ lửa, thỉnh thoảng khuấy nhẹ vài lượt, đến khi mật trào bọt, thì khuấy liên tục, rồi lại tắt bếp, chờ mật dịu hẳn trào thì khuấy, rồi bật lửa lên tiếp. Cứ làm như thế vài dạo. Mục đích của luyện mật là để loại bỏ tối đa nước ra khỏi mật, loại bỏ tạp chất. Sau khi đun mật xong thì chờ mật nguội bớt, nguội đến độ có thể làm hoàn, thường tầm 40-50 độ là được, thì vớt bỏ bọt. Có thể luyện nhiều mật một lần để trữ lại cho những lần dùng sau, vì mỗi lần luyện mật mất công, hao mật, cho nên luyện với số lượng lớn sẽ tiết kiệm được nhân công và thời gian.
- Trộn bột: Đổ bột ra chậu (nên dùng chậu nhôm hoặc inox), cho mật theo tỉ lệ đã định sẵn vào bột, nhào đều tay, tưởng tượng như đang nhào bánh, nhào càng lâu càng tốt. Để tăng độ nhuyễn nhừ có thể dùng chày giã nhiều lượt. Sau đó chia ra thành từng cục nhỏ.
- Vê viên: đến bước này thì có nhiều cách, có thể vê viên bằng tay, vê theo kích thước tuỳ ý, hoặc muốn hoàn tròn, đều, đẹp thì có thể dùng bằng khuôn nhưng đều dùng dầu vừng bôi trơn tay hoặc khuôn sẽ không bị dính viên hoàn bóng đẹp hơn rất nhiều. Về trọng lượng thì hoàn mềm thường có trọng lượng 3g, 6g, 9g hoặc 12g, tuy nhiên, 6g và 9g vẫn được lựa chọn nhiều hơn cả.
Cách dùng thang: Sử dụng bài thuốc trên theo tỷ lệ từng vị. Sắc lâu, ngày dùng 2 lần.
Công năng, chủ trị của Lục Vị Hoàn
Công năng: Tư bổ phần âm của can thận
Chủ trị:
- Chứng Thận âm hư: thận âm suy kém, tinh khô, huyết liệt… sinh chứng đau lưng, mỏi chân, hoa mắt, ù tai, di tinh, tiêu khát,..
- Những bệnh nhân ốm lâu do chân âm hư yếu, âm hoả bốc lên không tân dịch mà sinh đờm nhiều. Trẻ em phát dục không tốt (tiên thiên bất túc).
- Viêm đường tiết niệu mạn tính, tăng huyết áp, suy nhược thần kinh và lao phổi đều lấy bài Lục vị là cơ bản để gia giảm
Giải thích Bài Lục Vị Hoàn
Đặc điểm tạo thành bài thuốc này là trong bố có tả mà bổ âm là chính, phương thuốc thuần âm, vị trọng mà nhuận hạ (thuần âm là khí của thận: vị trọng là chất của thận, nhuận hạ là tính của thận). Nếu không dùng bài này thì không thể khiến cho thuỷ về nguyên chỗ của nó.
Bài thuốc dùng:
- Thục địa là vị thuốc chủ chốt để bổ chân âm, bổ thận, thêm tinh, ích tuỷ và sinh huyết làm chủ được.
- Sơn thù: ôn bổ can thận, thu sáp tinh khí.
- Hoài sơn kiện tỳ, nhiếp tinh, súc niệu.
- Đan bì: thanh nhiệt lương huyết mà tả hoả ở can tâm để ích cho tạng thận.
- Phục linh: có thể vào tỳ, thấm được thấp nhiệt ở trong tỳ mà thông với thận , giao với tâm . Tác dụng của nó đều chú về thông lợi để cho vị hoài sơn có tính trệ .
- Trạch tả: vị mặn để giáng âm, lợi thuỷ, thẩm thấp, thanh tướng hoả, đồng thời thông cái trệ của Thục địa để dẫn các thuốc tới thận. Nói chung Trạch tả có bổ tả mà không thích công phạt, nó giúp cho thận “khai, hạp” được tốt.
Trong bài thuốc, 3 vị thuốc trên là “tam bổ” , mục đích là bổ thận nên lượng thục địa là cao nhất; còn sơn thù, hoài sơn liều lượng thấp hơn để bổ can- tỳ, hỗ trợ cho tạng thận. Đan bì, Trạch tả, Phục linh là “tam tả” của bài thuốc. Do mục đích bổ là chính nên liều lượng của các vị thuốc “tả” dùng ít hơn. Việc sử dụng các vị “tả” ở đây là để cho các thuốc “bổ” phát huy tác dụng tối đa, đảm bảo mục đích cuối cùng là bổ thận thuỷ (thận âm).
Hải Thượng Lãn Ông nói: “Mẫu đơn vào can, tác dụng chủ yếu là tuyên thông để giúp sơn thù là thuốc sáp tinh. Trạch tả là để tả hoả tà , nước đọng của long lôi, lại cùng phục linh đạm thảm, chuyển vận các vị thuốc đi xuống. Phục linh làm đỡ tính trệ của hoài sơn; phát huy tác dụng kiện tỳ nhiếp tinh, bổ thận; còn trạch tả đưa phần âm trong dương xuống , chống trệ thuốc vào thận”.
Cổ nhân dùng thuốc bổ tất kiêm có tả, tà đi rồi thì thuốc bổ mới đắc lực; một bên đóng một bên mở đó là một cách kỳ diệu sử dụng phương dược. Hải Thượng Lãn Ông nói: “Nếu thiên về mặt bổ, tất sinh ra tai hại thiên thắng. Một bên bổ . hạ thế bổ đắc lực,nếu không ví như có vua mà không có bề tôi thì sức cô độc làm được việc gì, nếu tự ý gia giảm hoặc thuần dùng thuốc bổ là không biết lý lẽ thông biến”.
Cách Gia Giảm Lục Vị Địa Hoàng Hoàn
Những thuốc bổ thuỷ, bổ hoả đều tương hợp
- Các vị bổ thận: câu kỷ tử, nhục thung dung, hà thủ ô, thỏ ty tử, ngưu tất, đỗ trọng, tục đoạn.
- Các vị bổ phế: mạch môn đông, ngũ vị tử, sa sâm.
- Các vị bổ can: đương quy, bạch thược, hà thủ ô.
- Các vị bổ tinh huyết: tử hà sa, a giao, lộc nhung, cao ban long.
Bài này là phương thuốc cơ sở để tư bổ thận âm , trên lâm sàng còn tuỳ theo chứng bệnh mà gia giảm
- Nếu chữa di tinh, hoạt tinh: nên bội sơn thù, hoài sơn
- Nếu âm hư kém, huyết nhiệt hoả vượng thì thay thục địa bằng sinh địa và bội đan bì
- Nếu thận hư, thuỷ thăng hoặc thấp nhiệt lâm chứng thì bội trạch tả, phục linh
- Nếu can huyết hư gia thêm đương quy, bạch thược (tức Quy thược địa hoàng hoàn) để dưỡng huyết, nhu can, bổ thận.
- Nếu phế thận âm hư thì gia ngũ vị tử, mạch môn (tức Bát tiên hoàn) để liễm phế nạp thận.
- Nếu lưng gối đau mỏi gia thêm đỗ trọng, ngưu tất
- Nếu thận hư đi tiểu nhiều lần thì bỏ trạch tả; gia ích trí nhân, ngũ vị tử và bội hoài sơn
- Phụ nữ nuôi con ít sữa thì tăng thục địa, bỏ trạch tả, gia mộc thông
- Trẻ em tiên thiên bất túc gia thêm lộc nhung, cao ban long, tử hà sa
- Nếu trẻ em vừa sốt vừa rét thì gia sài hồ, bạch thược
- Nếu trẻ sốt nóng kèm kinh giật thì gia long đờm thảo, sài hồ, bạch thược, tần giao .
Kiêng kỵ khi dùng Lục Vị Hoàn
Theo Hải Thượng khi dùng Lục vị hoàn phải kiêng kỵ các trường hợp sau
- Người hoả kém, tỳ vị yếu, hay đi ỉa lỏng
- Người có chứng vong dương
- Người chân âm vượng, béo trắng
- Người bị chứng đàm trệ gây suyễn nghịch
Các phương thuốc biến hóa từ Lục Vị Hoàn
Tri bá địa hoàng hoàn (Tri bá bát vị hoàn): Tức là bài Lục vị hoàn gia tri mẫu, hoàng bá đều 80g
- Tác dụng: tư âm, tả hoả.
- Điều trị:
- Chứng âm hư hoả vượng, đau nhức xương, ra mồ hôi trộm, miệng khô,họng đau , lưới tảo
- Chứng đái máu cấp tính
- Viêm đường tiết niệu mạn tính
Kỷ cúc địa hoàng hoàn: Tức là bài Lục vị địa hoàng hoàn gia kỷ tử, cúc hoa mỗi thứ đều 120g
- Tác dụng: tư âm, tiềm dương
- Điều trị :
- Chứng can thận âm hư (đầu vàng, mắt hoa, giảm thị lực)
- Tăng huyết áp
- Chứng suy nhược thần kinh
Minh mục địa hoàng hoàn: Tức là bài Lục vị địa hoàng hoàn gia đương quy, bạch thược, kỷ tử, cúc hoa, thạch quyết minh, bạch tật lê.
- Tác dụng: tư bổ can thận, minh mục, tiêu tán phong nhiệt.
- Điều trị :
- Chứng mắt khô, quáng gà, giảm thị lực
- Tăng huyết áp (thể âm hư dương xung)
Thất vị địa hoàng hoàn: Tức là bài Lục vị gia thêm nhục quế
- Tác dụng: tư bổ thận thủy, liễm hỏa .
- Điều trị : để chữa “chứng thận thuỷ không đủ, hư hoả bốc lên sinh: sốt, khát nước, họng đau hoặc người gây sốt, ra mồ hôi trộm, miệng khô, lưỡi lở, mồ hôi
Thất vị đô khí hoàn: Tức là bài Lục vị hoàn gia ngũ vị tử
- Tác dụng: liễm phế, nạp thận
- Điều trị: chứng hư lao
Bát tiên trường thọ hoàn (Mạch vị địa hoàng hoàng ) Tức là bài Lục vị gia ngũ vị tử, mạch môn
- Tác dụng: tư bổ phế thận, nạp thận .
- Điều trị: phế thận âm hư, thở mạnh, chứng lao nhiệt
Tư thận sinh can ẩm:Tức là bài Lục vị gia sài hồ , bạch truật , đương quy , ngũ vị tử (tức là hợp với bài Tiêu giao khử bạch thược)
- Tác dụng: bổ thận, trợ tỳ, giúp can.
- Điều trị: chứng can thận âm hư, viêm gan mạn tính
A giao địa hoàng hoàn: Tức là bài Lục vị gia mạch môn, a giao
- Tác dụng: tư bổ phế thận
- Điều trị: người bệnh hư lao, ho ra máu, nôn ra máu
Hoà can tư thận hoàn (Quy thược địa hoàng hoàn): Tức là bài Lục vị gia đương quy, bạch thược.
- Tác dụng: dưỡng huyết, nhu can, bổ thận
- Điều trị: phụ nữ huyết khô, suy nhược thần kinh
Ức âm địa hoàng hoàn : Tức là bài Lục vị gia thêm sinh địa, sài hồ, ngũ vị
Điều trị: thận âm yếu, mắt mờ, họng khô, khát nước, tiểu đỏ
Thanh tâm bổ thận hoàn Tức là bài Lục vị, bỏ trạch tả, gia ngũ vị tử, mạch môn, liên nhục, viễn chí .Tác dụng: bổ thận, thanh tâm
Tư tim tráng thuỷ hoàn: Tức là bài Lục vị gia mạch môn, ngưu tất. Tác dụng: ích thận thuỷ, trợ phế kim, giúp cho chân âm bằng với chân dương
Theo Hải Thượng Lãn Ông bài Lục vị là bổ thuỷ và giữ được tinh huyết. Nếu có gia giảm chỉ nên 3- 4 vị mà thôi và khi gia giảm tự ý, có bố không tả, khách nhiều gấp 2 chủ thì công năng của bài Lục vị sẽ bị giảm sút.