Long nhãn là thịt quả nhãn được phơi sấy khô, được sử dụng phổ biến trong các món chè, tạo nên vị thơm ngon rất đặc biệt. Song Long nhãn từ 4000 năm trước đã được biết đến với công dụng kích thích tiêu hóa, tạo giấc ngủ êm ái,… được ghi chép lại trong nhiều y văn với các tên gọi khác nhau.
1.Tên gọi: Long nhãn, còn có tên gọi là Quế viên nhục, Ích trí, Lệ chi nô, Á lệ chi.
2. Tên khoa học: Euphoria longana Lamk. Họ khoa học: Họ Bồ Hòn (Sapindaceae).
3. Mô tả:
Cây nhãn cao 5-7m. Lá rườm rà, vỏ cây xù xì, sắc xám, nhiều cành, nhiều lá um tùm, xanh tươi luôn, không hay héo và rụng như lá các cây khác. Lá kép hình lông chim, mọc so le gồm 5 đến 9 lá chét hẹp, dài 7-20cm, rộng 2,5-5cm.
Mùa xuân vào các tháng 2, 3-4 có hoa màu vàng nhạt, mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, đài 5-6 răng, tràng 5-6, nhị 6-10, bầu 2-3 ô.
Quả có vỏ ngoài màu vàng xám, hầu như nhẵn (chỉ có một ô của bầu phát triển thành quả, các ô kia tiêu giảm đi). Hạt đen nhánh có áo hạt trắng bao bọc.
4. Phân bố và thu hái
Ở Việt Nam: có thể trồng được ở khắp nơi, phổ biến ở: Hưng yên, Bắc Giang,…
Ở nước ngoài: miền Nam Trung Quốc, Thái Lan, Đông Ấn Độ.
5. Bào chế và bảo quản
Chọn loại Nhãn đã chín, cùi dày, ráo nước, đem phơi nắng to hoặc sấy nhẹ ở nhiệt độ 40-500C đến khi lắc quả có tiếng kêu lóc cóc, mang ra, bóc vỏ lấy cùi rồi sấy ở nhiệt độ 50-600C tới độ ẩm dưới 18%, cầm không dính tay là được.
Long nhãn đã chế biến rồi nhưng sợ để lâu có nhiễm trùng, nên đem chưng cách thủy độ 3 giờ, sấy gần khô.
6. Thành phần hóa học
Cùi nhãn khi tươi có 77,15% nước, độ tro 0,01%, chất béo 0,13%, protit 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường sacaroza 12,25%, vitamin A và B. Cùi khô (long nhãn nhục) chứa 0,85% nước, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, độ tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucoza 26,91%, sacaroza 0,22%, axit taetric 1,26%. Chất có nitơ 6,309%.
7. Tác dụng dược lý
Ít có tài liệu nghiên cứu. Theo sách Trung dược học thuốc có tác dụng ức chế nha bào của nấm trên ống nghiệm với nước ngâm Long nhãn.
8. Long nhãn trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị ngọt, tính bình, không độc.
Quy kinh: túc thái âm tỳ, thủ thiếu âm tâm.
Công năng: Bổ tâm tỳ, ích khí huyết
Chủ trị: chứng Tâm tỳ lưỡng hư, khí huyết hư tổn.
“Lấy cùi cho vào thuốc, vị ngọt vào tỳ trước, bổ ích cho tạng tỳ, bố tâm hư mà thêm trí khôn, làm tươi khí của dạ dày mà bổ tỳ chữa hay quên mà hồi hộp, yên thần thêm giấc ngủ, không nóng không lạnh tính hòa bình đẳng quý, nuôi da thịt, đẹp nhan sắc. Uống nhiều thì mạnh chí thông minh, dùng lâu thì nhẹ mình trẻ lâu; trong thang Quy tỳ nó có công ngang với vị Nhân sâm, vì Tỳ được bồi bổ thì trung khí đầy đủ, nguồn sinh hóa không kiệt, năm tạng đều ổn trăm tà đều tiêu hết, vả lại vị ngọt thì nuôi được huyết, bổ cho tâm mà làm mạnh thần.”
(Dược phẩm vậng yếu- hải Thượng Lãn Ông y Tâm lĩnh”
Kiêng kỵ:
- Tiết tả cho hoạt tràng và chứng bụng trên đây đều cấm dùng.
- Hỏa uất bên trong đờm ẩm khí trệ, thấp thịnh không nên dùng.
- Thận trọng với phụ nữ có thai.
Liều lượng: 12 – 20g lượng có thể dùng đến 40 – 80g, dùng làm thuốc thang, ngâm rượu hoặc thuốc cao, hoàn tán
9. Ứng dụng lâm sàng
Mất ngủ, hồi hộp, hay quên: Quy tỳ thang ( Tế sinh phương) gồm có: Hoàng kỳ 12g, Bạch truật 12g, Đảng sâm 12g, Đương qui 8g, Phục thần 12g, Long nhãn nhục 12g, Toan táo nhân 12g, Mộc hương 4g ( cho sau), Viễn chí 6g, Chích thảo 4g, sắc nước uống ( có thể cho thêm Gừng tươi và Đại táo).
Ôn bổ Tỳ, Thận: Long nhãn nhục, nhiều ít tùy dùng, ngâm rượu 100 ngày, mỗi ngày uống (Long Nhãn Tửu – Vạn Thị Gia Sao).
Trị Tỳ hư, tiêu chảy: Long nhãn khô 14 trái, Sinh khương 3 lát, sắc uống(Tuyền Châu Bản Thảo).
Kém ăn, mất ngủ, mồ hôi trộm, mệt nhọc: Cao ban long và long nhãn (đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông). Còn có tên là nhị long ẩm: Cao ban long 40g, long nhãn 50g. sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn. Đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng. Trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này