I. Tổng quan
Thận âm hư là tên gọi chung của một loạt chứng trạng do âm dịch của tạng Thận khuy tổn làm hư hỏa bốc lên. Bệnh có hiện tượng âm hư hỏa vượng nên nặng hơn về chiều và đêm, đỡ vào buổi sáng.
Nguyên nhân:
- Nội thương mệt nhọc, tình chí không yên.
- Bệnh lâu ngày không khỏi khiến âm dịch hư hao lụy đến Thận.
- Ôn bệnh đến giai đoạn cuối.
- Các bệnh nhiệt cực thịnh thương tổn âm dịch.
Biểu hiện: Ngũ tâm phiền nhiệt (nóng lòng bàn tay, bàn chân và ngực); mất ngủ; đạo hãn (mồ hôi trộm); hay khát, miệng họng khô ráo; đau lưng, mỏi gối nhiều; chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác. Đối với phụ nữ có thể bị băng lậu, nam giới thì di tinh.
Các bệnh có chứng Thận âm hư:
- Di tinh
- Thất miên- Bất mị (Mất ngủ)
- Hư lao ( Suy nhược cơ thể- suy nhược thần kinh)
- Cao lâm ( Nước tiểu đục như nước vo gạo hoặc như có mỡ, đường tiểu nóng rát, đau)
- Niệu huyết (Tiểu ra máu)
- Băng lậu ( Phụ nữ lúc không hành kinh hoặc sau khi sinh mà máu ra ở âm đạo không theo quy tắc nào)
- Tiêu khát (Tiểu đường)
- Ôn bệnh (Bệnh truyền nhiễm)
Phân biệt các chứng: Thận tinh bất túc; Thận âm dương lưỡng suy; Can thận âm hư; Phế thận âm hư.
Thận âm hư ở người cao tuổi: biểu hiện chủ yếu là răng tóc sớm, táo bón, tiểu tiện rít giỏ giọt, tai ù, tai điếc, chóng mặt.
Thận âm hư ở người trẻ: Biểu hiện chủ yếu là di tinh, tảo tiết và mất ngủ. Phụ nữ thì có thêm băng lậu.
II. Phân tích
1. Di tinh vì Thận âm hư
Triệu chứng: Dương vật dễ cương cứng, mộng tinh, tảo tiết, hoa mắt chóng mặt,tinh thần yếu ớt.
Nguyên nhân: Phần nhiều do tình dục quá độ khiến chân âm hư hao làm hư hỏa quấy rối tinh thất.
Điều trị: dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn: Thục địa 32g; Sơn thù 16g; Trạch tả 12g; Hoài sơn 16g; Phục linh 8g; Đơn bì 12g; Tri mẫu 8g; Hoàng bá 8g.
2. Bất mị- Thất miên vì Thận âm hư
Triệu chứng: Tâm phiền, mất ngủ, mơ mộng phân vân, ngũ tâm phiền nhiệt, chóng mặt ù tai,…
Nguyên nhân: Tư lự quá độ mà thất vọng làm âm tinh hao tổn ngấm ngầm, Thận âm bất túc.
Điều trị:
- Pháp: tráng thủy chế hỏa, an thần định chí.
- Phương: Lục vị địa hoàng hoàn phối với Hoàng liên a giao thang.
3. Cao lâm có chứng Thận âm hư
Triệu chứng: Tiểu tiện vẩn đục, niệu đạo rít và đau, hoặc giỏ giọt như mỡ, gày còm yếu ớt, lưng gối yếu mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhớt.
Nguyên nhân: phòng lao thất thương hoặc do tình chí thất thương, hạ nguyên không bền, chất dịch chất mỡ tiết xuống dưới gây nên.
Điều trị:
- Pháp: Ích thận cố nhiếp
- Phương: tỳ giải phân thanh ẩm phối Lục vị địa hoàng hoàn.
4. Hư lao có chứng Thận âm hư
Triệu chứng: gầy còm, phiền nhiệt, chóng mặt, ù tai, tai điếc, hai chân yếu liệt, thần sắc ủ rũ.
Nguyên nhân: Tiên thiên phú bẩm bất túc, hậu thiên vất vả cùng cực, hoặc là đau ốm liên miên không thích hợp làm cho chân âm tạng Thận bất túc, hư yếu lâu ngày không phục hồi phát thành bệnh Hư lao.
Điều trị:
Pháp: tư Thận bổ Âm.
Phương: Đại bổ âm hoàn.
5. Niệu huyết có chứng Thận âm hư
Triệu chứng: Tiểu tiện sẻn đỏ lẫn máu, lưng mỏi ê mỏi, tinh thần yếu ớt, tinh thần yếu, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác.
Nguyên nhân: Phóng túng sắc dục, tướng hỏa vọng động, Thận âm suy hao, âm hư thì sinh nội nhiệt, nhiệt hun đốt, huyết lạc tràn ra ngoài.
Điều trị:
- Pháp: Tư âm thanh hỏa kiêm chỉ huyết
- Phương: Đại bổ âm hoàn hợp với Tiểu kế ẩm tử.
6. Tiêu khát có chứng Thận âm hư
Triệu chứng: Tiểu tiện nhiều lần lượng nhiều, nước tiểu như cao mỡ, miệng khô chất lưỡi đỏ, gầy còm mạch Trầm Tế mà Sác.
Nguyên nhân: Phòng thất vô độ, rượu chè béo ngọt quá đáng, Thận hư âm khuy, Hạ tiêu hư yếu, mất chức năng co thắt gây nên.
Điều trị:
Pháp: Tư âm cố thận
Phương: Lục vị địa hoàng hoàn bội lượng Hoài sơn và Sơn thù
7. Ôn bệnh làm Thận âm hư
Triệu chứng: Nhiệt không cao nhưng không thấy thoái, lòng bàn chân nóng rực, miệng khô, lưỡi khô tía thậm chí tía tối mà khô, hoặc tinh thần mỏi mệt, tai điếc, mạch Hư Đại.
Nguyên nhân: Nhiệt do Ôn bệnh dồn xuống hạ tiêu, tà nhiệt dai dẳng, hun đốt chân âm khiến Thận âm suy tổn.
Điều trị:
- Pháp: Tư âm, dưỡng âm, thanh nhiệt.
- Phương: Phục mạch thang gia giảm
8. Băng lậu có chứng Thận âm hư
Triệu chứng: Hành kinh trước kỳ, băng trung lậu hạ, lâm li không dứt, sắc kinh đỏ, lượng nhiều, hoặc đới hạ dính đặc, chất lưỡi đỏ, mạch Trầm Tế Sác.
Nguyên nhân: Thận âm bất túc.
Điều trị:
Pháp: Tư âm lương huyết, chỉ huyết
Phương: dùng Thanh hải hoàn hoặc Hoa nhị thạch tán.