Hồng hoa (Flos Carthami) thuộc cây thân thảo, cao trên 1m, thân mềm có vạch trắng chạy dọc. Lá không có cuống, mọc so le trên thân, mặt lá trơn, xanh thẫm, mép có răng cưa, gân sống lá nổi cao, phiến lá mỏng. Cụm hoa gồm nhiều đầu hợp lại thành ngù, ở ngọn mọc lá bắc có gai. Hoa nhỏ hình tên, ống dài, trên có 5 cánh đỏ tua sợi, ban đầu hoa màu vàng cam rồi chuyển dần sang đỏ. Quả bế có bốn cạnh lồi, có vạch kẻ lồi, nhỏ dài 6-7mm, rộng 4-5mm. Mùa hoa tháng 5-7, mùa quả từ tháng 7-9.
1. Tên khác: Mạt trích hoa, Cây rum, 紅花.
2. Tên khoa học: Carthamus tinctorius L Họ Cúc (Asteraceae).
3. Bộ phận dùng: Hoa
4. Nơi sống và thu hái:
Việt Nam: nhiều nhất ở Hà Giang, hiện đang phổ biến ra nhiều nơi.
Trung Quốc: các tỉnh Hà Nam, Triết Giang.
Thu hái khi hoa có màu đỏ.
5. Phương pháp bào chế và bảo quản:
- Bước 1: Rửa sạch,loại bỏ tạp chất.
- Bước 2: Phơi trong bóng râm (phơi âm can)
- Bước 3: Dùng khô hoặc sao tẩm với rượu, muối.
Đóng thành bánh thì gọi là Tiền bính.
Để vụn thì gọi là Tán hồng hoa
Muốn thử xem Hồng hoa thật hay giả lấy một cánh dược liệu bỏ vào trong chén nước nóng thấy đỏ như máu, phơi hai đến ba lần cũng còn đỏ mới thật là tốt.
Bảo quản để trong hộp kín, khô, thường xuyên kiểm tra vì hồng hoa mốc rất kín đáo.
6. Mô tả dược liệu:
Hình dánh như sợi chỉ nhưng dày hơn,màu hồng đỏ, nhẹ xốp, mùi thơm.
7. Thành phần hóa học:
Ethyl acetate, Benzene, Pent-1-en-3-ol, 3-Hexanol, 2-Hexanol, 2-Hexenal, 3-Methyl butyric acid, Methylbutyric acid, p-Xylene, O-Xylene, Phenyl acetaldehyde, Nonanal, Terpinen-4-ol, Verbenone, Decanal, Benzothiazole, E, E-2, 4, E, E-2, 4 Decadienal, Methyl cinnamate 1, 2, 3-Trimethoxy-5-Methylbenzene, a-Copaene, 1-Tetradecene, a-Cedrene (Koshi Saito và cộng sự Ca 1991, 115: 5139e).
Galatose (Từ Trung Tự, Trung Dược thông Báo 1982 9 (1): 31).
Nonacosane, b-Sitosterol, Palmitic acid, (Hoàng Giang, Trung Thảo Dược 1984, 15 (5): 123).
8. Tác dụng dược lý
Trong Hồng hoa có chừng 0,3 -0,6% chất gluxit gọi là cactamin (Carthamin) C12H22011 (sắc tố màu hồng), một số sắc tố màu vàng có công thức C24H30015 tan trong nước và rượu. Dung dịch nước rất chóng bị phân giải. Carthamin là một chất tinh thể màu đỏ khi tác dụng với HCl lạnh sẽ cho Iso-Carthamin thủy phân sẽ cho glucoza và Carthamindin (Hồng hoa tố).
1. Hồng hoa có tác dụng tăng co bóp tử cung rõ rệt, liều lượng nhỏ làm cho tử cung co bóp đều, lượng lớn làm cho tử cung co bóp tăng nhịp, thậm chí làm rung cơ tử cung, đối với tử cung của động vật có thai tác dụng làm tăng co bóp càng rõ. Đối với cơ trơn của ruột, thuốc cũng có tác dụng hưng phấn thời gian ngắn.
2. Thuốc có tác dụng hạ áp: làm tăng lưu lượng máu dinh dưỡng cơ tim và lưu lượng máu động mạch vành của chó được gây mê.
3. Thuốc có tác dụng ức chế sự ngưng tập tiểu cầu. Thuốc còn có tác dụng bảo vệ chống nhồi máu cơ tim trên mô hình thắt động mạch vành của chó hoặc gây thiếu máu cơ tim trên chuột bạch lớn.
Dược liệu Hồng hoa có chứa từ 0,3 đến 0,6% chất gluxit được gọi là cartamin không tan trong nước và sắc tố vàng tan trong nước. dung dịch nước cất dễ bị phân giải.
9. Hồng hoa trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị đắng cay , tính ấm , không có độc , là thuốc dương trong âm dược , vào huyết phận
Quy kinh: Thủ thái âm Tâm,Túc quyết âm Can.
Công năng:hoạt huyết khu ứ thông kinh
Chủ trị: Chữa chứng thai chết trong bụng, là thuốc thôi sinh tất yếu của sản phụ, là thuốc tiên để chữa chứng cấm khẩu, chứng huyết vậng (xây xẩm) của đàn bà đẻ, chữa các thứ ỉa ra máu, làm hết đau cũng như trong bụng huyết xuống không ngừng, tất cả các chứng thống độc cổ trướng , cùng chúng phiền khát đau họng tắc chẳng thống kiểm trị 36 thứ phong, lại hòa được huyết nhiệt của đầu mùa của ban sởi .
Dùng nhiều thời phá huyết thống kinh, dụng ít thời vào tâm dưỡng huyết , là thuốc chủ yếu để hành huyết, hoạt huyết và thuận táo .
(Dược phẩm vậng yếu Hải Thượng lãn ông y tâm lĩnh)
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, huyết nhiều, không có huyết ứ không được dùng.
Lưu ý:
- Phối với Đương quy thì sinh huyết mạnh
- Phối với Quế chi thì tán ứ kết
- Mất tác dụng khi dùng với Trầm hương, Xạ hương
Lượng dùng: dưỡng huyết 1-2g, hành huyết 2-4g, phá huyết trên 4g
10. Ứng dụng lâm sàng
1. Trị bệnh phụ khoa: Rối loạn kinh nguyệt, kinh bế, sau sinh máu xấu không ra hết, dùng các bài:
Hồng hoa tửu: Hồng hoa 10g, sức với rượu chia 3 lần uống. Trị đau kinh.
Hồng hoa 5g, Xuyên khung, Đương qui, Hương phụ, Diên hồ sách đều 10g, sắc nước uống hoặc phối hợp với rượu Đương qui uống, trị đau bụng kinh.
Hồng hoa 3g, Ích mẫu thảo 15g, Sơn tra 10g, cho đường đỏ vừa đủ uống. Trị sau sanh máu xấu không ra hết.
2. Trị đau sưng tấy do chấn thương ngoại khoa: dùng các bài:
Hồng hoa, Đào nhân, Sài hồ, Đương qui đều 10g, Đại hoàng 8g, rượu và nước mỗi thứ một nửa sắcuống.
Hồng hoa, Đào nhân, Đương qui vĩ đều 120g, Chi tử 240g, tán bột mịn trộn đều với giấm lượng vừa đủ đun nóng đắp chỗ đau.
3. Trị sở ban mọc không đều, ung nhọt:
Đương qui – Hồng hoa ẩm: Đương qui 6g, Hồng hoa 4g, Tử thảo, Đại thanh diệp, Liên kiều, Ngưu bàng tử đều 10g, Hoàng liên 5g, Cam thảo 3g, Cát căn 10g sắc nước uống.
4. Trị huyết khối ở não:
Khương Anh Như dùng Hồng hoa 50% – 15 ml(có tương đương 75g thuốc sống), gia vào 500ml glucoz 10% truyền tĩnh mạch ngày một lần, 15 ngày là một liệu trình. Trị cho 137 ca, tỷ lệ có kết quả 94,7% ( Tạp chí Y dược Sơn tây 1983, 5:297).
5. Trị bệnh mạch vành:
Vương Đại Tuấn dùng 50% dịch chích Hồng hoa cho vào dung dịch glucoz chích tĩnh mạch, nhỏ giọt tĩnh mạch hoặc chích bắp, trị 100 ca. Cơn đau thắt ngực có kết quả là 80,8%, kết quả điện tâm đồ 26%, chuyển biến tốt 40%. Đối với chứng cao huyết áp, xơ cứng động mạch não gây đau đầu, váng đầu, hồi hộp, cũng có kết quả nhất định( Tạp chí Tim mạch 1976,4(4):265).
6. Trị lóet hành tá tràng:
dùng Hồng hoa 60g, Đại táo 12 quả cho nước 300ml, sắc còn 150ml lọc cho mật ong 60g trộn đều, mỗi ngày uống nóng 1 lần, ăn táo uống liền 20 thang. Trị 12 ca đều khỏi (1985,4:20).
7. Trị viêm da thần kinh:
Dùng dịch Hồng hoa phong bế trị 70 ca: khỏi 25 ca, tốt 35 ca, không kết quả 10 ca. Tỷ lệ kết quả 85,7% ( Tân y học 1974,5(12):609).
11. Phân biệt
Tạng hồng hoa:
Còn có tên là Phiên hồng hoa, hoặc Lệ hồng hoa, có nhiều ở Tây Tạng và Âu Uyên, thuộc họ đuôi Điều đó là cây thảo sống đa niên, ở phần dưới đất thân tròn hình cầu, phình lớn, lá 6-9 phiến, lá hình dãi, không cuống. Vùng gốc có bẹ rộng bọc lại hình vẩy, khoảng tháng 9,10 từ lá nổi lên 2,3 đoá hoa màu hồng nhạt, hoa chia thành 6 phiến màu hồng đậm, nhỏ dài, trụ đầu tam thao, màu hồng tím, nhỏ dài.
Khí vị, công năng, chủ trị: Giống hồng hoa nhưng tác dụng mạnh hơn
Nhụy hoa nghệ tây (Saffron ):
Nghệ tây là một loài thực vật thuộc họ Diên Vĩ. Loài này được Carl Linnaeus miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753.Nghệ tây là loài bản địa của Tây Nam Á và đã được trồng lần đầu ở Hy Lạp.Là bản sao di truyền đơn hình thái, loài này đã từ từ lan truyền khắp đại lục Á-Âu và sau đó đã được đưa đến các khu vực của Bắc Phi, Bắc Mỹ, và châu Đại Dương.
Khí vị, công năng, chủ trị: khác Hồng hoa