Thông Thảo

  Thuốc nam

Thông thảo (Medulla Tetrapanacis) thuộc dòng  Cây gỗ nhỏ cao 2-6m. Thân cứng, giòn, có lõi xốp trắng (tuỷ). Lá to, chia thành nhiều thùy, có khi cắt sâu đến giữa lá, mép có răng cưa to hay nhỏ, gân gốc 5-7. Cuống hoa hình tán, họp thành chuỳ cao 40cm, có lông. Hoa có 4 cánh hoa màu lục, bầu 2 ô, 2 vòi nhuỵ. Quả dẹt hình cầu, màu tía đen, có 8 cạnh. Hoa tháng 10-12.

Hình ảnh Cây Thông thảo
Cây Thông thảo

1. Tên gọi khác: Thông Thoát, Thông Thoát Mộc, Co Tang Nốc (Thái, Tày)

2. Tên khoa học: Medulla Tetrapanacis họ Araliaceae- Nhân sâm, Ngũ Gia Bì

3. Bộ phận dùng: lõi của cây Thông Thảo

4. Nơi sống và thu hái:

Ở Việt Nam: Cao Bằng, Lạng Sơn,Hà Giang

Ở các nước khác: Có gặp ở vùng nhiệt đới ẩm Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia,…

5. Phương pháp bào chế và bảo quản:

Thu lõi của cây mọc 2-3 năm. Vào tháng 9-11, chặt lấy thân cây đem về chia thành từng đoạn dài 30cm hay hơn, phơi khô, rồi dùng một gậy gỗ thân tròn, đường kính bằng lõi cây Thông thảo để đẩy lõi ra. Sau đó lại tiếp tục phơi cho thật khô chứ không sấy. Khi dùng thái lát mỏng.

Bảo quản: nơi khô ráo.

6. Mô tả dược liệu:

Hình ảnh Thông thảo dược liệu
Thông thảo dược liệu

Thân trụ dài, màu trắng bạch, rỗng lõi,mùi thơm.

7. Thành phần hóa học:

Uronic acid, galacturonic acid, glucose, xylxylose.

8. Tác dụng dược lý: chưa có nghiên cứu

9. Thông thảo trong y học cổ truyền

Khí vị: Vị ngọt nhạt, là thuốc âm, phù mà giáng xuống.

Quy kinh: Thủ thái âm phế, túc dương minh vị

Công năng: Lợi thủy thẩm thấp, thông nhũ ( kích thích ra sữa), thanh nhiệt giải độc, trấn khái

Chủ trị: 

  • Lâm chứng: tiểu khó, tiểu buốt, đau tức bụng dưới
  • Thấp ôn: tiểu rát,tiểu nóng, nước tiểu vàng
  • Phế khí không thông: ho kích thích,ngủ gáy,…

Ở Trung Quốc, người ta dùng chữa bệnh đái đỏ, bệnh lậu đái buốt, Thủy thũng đái ít và phụ nữ cho con bú không thông sữa, tỳ lạnh mắt mờ, mũi tắc. Rễ Thông thảo dùng trị Thủy thũng, bệnh lâm, thực tích, trướng bụng, tuyến sữa không thông. Hoa Thông Thảo dùng trị con trai âm nang trễ xuống

Kiêng kỵ: người thực hàn, không có chứng thấp nhiệt,phụ nữ mang thai.

 Liều dùng: 3-10g  sắc uống hoặc nấu ăn.

10. Ứng dụng lâm sàng

Lợi sữa:

Thông thảo 10g, cám gạo nếp 10g, hạt Bông (sao vàng) 15g, nước 300ml, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Thông nhũ thang: Thông thảo 6 – 8g, móng heo 1 đôi, Xuyên khung 6g, Xuyên sơn giáp 8g, Cam thảo 3g, sắc uống. Ngoài dùng nước hành rửa vú.

Trị chứng phù do thấp nhiệt, tiểu ít:

Thông thảo thang: Thông thảo, Cù mạch, Thiên hoa phấn, Liên kiều đều 10g, Cát cánh, Sài hồ, Mộc thông, Thanh bì, Bạch chỉ, Xích thược đều 8g, Cam thảo 3g, sắc uống ngày 1 thang.

Hải kim sa 12g, Thông thảo, Hạnh nhân, Kê nội kim, La bạc tử đều 10g, Hậu phác, Mộc thông, Trần bì đều 6g. Trị cổ trướng nhẹ, tiểu ít, sắc uống ngày 1 thang.

Thông thảo, Cù mạch đều 10g, Mộc thông 6g, Liên kiều 10g, Cam thảo 3g, sắc uống trị viêm tiết niệu.

Thông thảo 8g, Phục linh bì 12g, Đại phúc bì 10g, sắc uống trị viêm cầu thận cấp, phù.

11. Phân biệt các loài cây khác

Đu đủ rừng

Hình ảnh Cây đu đủ rừng
Cây đu đủ rừng

Tên khác: Đu đủ rừng, Thông thảo gai, Thầu dầu núi

Tên khoa học: Trevesia palmata (Roxb.) Vis, thuộc họ Nhân sâm -Araliaceae.

Mô tả: Cây nhỡ cao 7-8m hay hơn, thân ít phân nhánh, cành có gai, ruột xốp. Lá đơn, phiến lá phân thuỳ chân vịt, xẻ sâu như lá thầu dầu, có 5-9 thuỳ nhọn có răng, gân nổi ở hai mặt, mép lá có răng cưa thô; cuống lá dài và có gai. Lá non phủ lông mềm, màu nâu nhạt, lá già nhẵn. Hoa mọc thành tán, tụ thành chuỳ ở nách. Hoa to khoảng 1cm, màu trắng: Quả dài 13-18mm, có khía; hạt dẹp. Hoa tháng 5-6, quả tháng 7-9.

Bộ phận dùng: Lõi thân – Medulla Trevesiae, thường gọi là Thích thông thảo; tránh nhầm với vị Thông thảo là lõi thân của cây Thông thoát mộc (Tetrapanax papyriferrus). Lá cũng được dùng.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Cây mọc ở chỗ ẩm dọc theo các sông, suối, ở thung lũng các rừng phục hồi. Thu hái lõi thân vào mùa thu, phơi khô. Lá thu hái quanh năm.

Tính vị, tác dụng: Lõi thân có tác dụng thông tiểu, tiêu phù, lợi sữa.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Lõi thân dùng chữa phù thũng, đái dắt, tê thấp và làm thuốc hạ nhệt, làm phổi bớt nóng. Cũng được xem như là có tác dụng bổ; thường dùng nhầm với vị Thông thảo.

Liều dùng 20-30g dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với cây Mua đỏ. Lá được dùng nấu nước xông chữa tê liệt bại người và giã đắp chữa gẫy xương.

Ở Trung Quốc, người ta dùng lá chữa đòn ngã tổn thương hay dao chém thương tích.

Thông thảo giả

Hình ảnh Cây Thông thảo giả
Cây Thông thảo giả

Tên khác: Thông thảo giả, Đại thông thảo, Phướng lăng rìa

Tên khoa học: Brassatopsis ciliata Dunn. thuộc họ Nhân sâm -Araliaceae.

Mô tả: Cây nhỏ hay nhỡ, cao 2-6 (7)m, thân có gai. Lá kép có cuống dài 50cm, mang phiến chân vịt thường chia 5-7 thùy, dài 20-30 (-40)cm; thùy giữa dài 10-20cm, rộng 3-12cm, mép có răng nhọn, đầu có mũi dài, mặt trên nâu đen, dưới có lông. Cụm hoa thưa, dài, có rất nhiều gai dẹp; hoa có cuống mảnh, dài 2-3cm. Quả tròn, to 4-5 (-7)mm, có 2 hạt. Quả tháng 4.

Bộ phận dùng: Tuỷ cây – Medulla Brassatopsis Ciliatae. Nơi sống và thu hái: Loài của Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quý Châu và Tứ Xuyên) và Bắc Việt Nam, trong các rừng ẩm ở độ cao 1000-2100m. Ở nước ta, cây mọc ở vùng núi Lai Châu.

Tính vị, tác dụng: Có tác dụng thanh nhiệt lợi niệu.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Cũng được dùng thay Thông thảo.