Sử Quân Tử

  Thuốc nam

Sử Quân Tử hay còn gọi là cây hoa Giun được trồng làm cảnh ở khắp Việt Nam. Ngoài tác dụng làm cảnh, Sử quân tử cũng là một loại thảo dược được dùng từ lâu đời, y văn chép lại rất nhiều.

Hình ảnh Cây Sử quân tử
1.Cây Sử quân tử

1.Tên gọi: Bịnh cam tử, Đông quân tử, Lựu cầu tử Ngũ lăng tử Quả Giun, Quả Nấc, Sách tử quả, Sử quân nhục 

2. Tên khoa học: Quisqualis Indica L thuộc họ Bàng Combretaceae.

3. Mô tả: Sử quân tử là một loại dây leo hay nói cho đúng loại cây mọc tựa vào cây khác, hoặc hàng rào. Lá mọc đối, đơn, nguyên, hình trứng đầu nhọn, phía cuống hơi tròn hình tim, dài 7-9cm, rộng 4-5cm, cuống ngắn. Hoa hình ống, lúc đầu màu trắng, sau chuyển hồng và đỏ, mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành, dài 4 -10cm. Qủa khô, hình trứng nhọn, dài 35mm, dầy 20mm, có 5 cạnh dọc hình 3 cạnh, có chứa một hạt dài phía dưới rộng, phía đầu hơi mỏng, có 5 đường sống chạy dọc.

4. Phân bố và thu hái

Ở Việt Nam: Cây phân bố ở khắp các tỉnh miền bắc và miền Trung

Cây có nguồn gốc từ châu Phi

Thu hái: Thu hái quả vào tháng 8.

5. Bộ phận dùng: Quả già

6. Bào chế và bảo quản:

Bỏ vỏ, lấy nhân, sao thơm để dùng hoặc để cả vỏ giã nát dùng

Bảo quản: Dễ mọt mốc vì vậy cần để nơi khô ráo, kín, mát, thỉnh thoảng nên phơi.

Hình ảnh Vị thuốc Sử quân tử
Vị thuốc Sử quân tử

7. Thành phần hóa học

Trong nhân sử quân tử có chứa từ 21-22% chất béo màu xanh lục nhạt, sền sệt, mùi nhựa, vị nhạt không có tác dụng tẩy giun.

Ngoài ra còn chất gôm, các chất hữu cơ, chất đường 19-20% axit hữu cơ axit xitric, kali sunfat. Hoạt chất hiện nay chưa xác định.

Năm 1952, Trần tử Nghĩa và Lý Chính Hoa (1952, Trung hoa y học tạp chí 38,4,319-321) đã báo cáo chiết từ nhân sử quân tử muối kali của axit quisqualic C10H16O10N6K3 có tác dụng diệt giun. Axit quisqualic có phản ứng axit mạnh, nhưng muối natri của axit quisqualic (dùng cacbonat axit để trung hòa) thì không có tác dụng mạnh trên giun.

8. Tác dụng dược lý

  1. Xổ lãi đũa: có báo cáo dùng Sử quân tử trị 194 ca, có 10 ca dùng thuốc sao thơm tán bột làm viên, mỗi tuần uống 1g chia 2 lần uống có kết quả ra lãi 100%. Xổ lãi đũa là chính. In vitro, thuốc còn có tác dụng ức chế mạnh lãi đũa ở heo, giun đất, đỉa. Thành phần có tác dụng chủ yếu là Potassium quiqualata. Thuốc có tác dụng xổ lãi kim.
  2. Nước ngâm kiệt thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại nấm gây bệnh ngoài da in vitro.

9. Sử quân tử trong y học cổ truyền

Khí vị: Vị ngọt, tính ôn.

Quy kinh: Túc Thái âm Tỳ Túc dương minh Vị.

Công năng:  sát trùng tiêu tích

Chủ trị: chứng trùng tích, phúc thống, tiểu nhi cam tích.

Kiêng kỵ:

Tỳ Vị hư hàn không nên dùng nhiều, dùng nhiều sẽ gây nấc

Người không có trùng tích không nên dùng

Uống thuốc này kỵ nước trà nóng.Uống liều cao có thể gây nấc, nôn mửa, chóng mặt, tiêu chảy. Dùng nước sắc Đinh hương hoặc nhai cam thảo để giải

Liều lượng:  6 – 10g. 

Hình ảnh cây Sử quân tử
Nụ hoa Sử quân tử

10. Ứng dụng lâm sàng

10.1. Trị lãi đũa:

  • Sử quân tử sao tán bột 500g gia mật 375g chế thành viên mật, mỗi tuần uống 1,75g, chia làm 2 lần uống trong ngày, liên tục trong 3 ngày, tỷ lệ xổ lãi 80,98% (trần Cảnh Nghĩa, Tân trung y 1982, 9:32).
  • Sử quân tử nhục sao vàng, người lớn mỗi lần 10 – 20 hạt, trẻ em mỗi tuổi 1,5 hạt, tổng liều không quá 20 hạt, nhai ăn trước lúc ngủ, mỗi ngày 1 lần, liên tục 3 ngày.

10.2.Trị lãi kim:

  • Sử quân tử sao chín, trước lúc ăn � giờ nhai uống, trẻ em mỗi ngày 5 – 15 hạt, người lớn mỗi ngày 15 – 30 hạt, chia 3 lần uống, 15 ngày là một liệu trình. Cách 1 tháng uống thêm 1 liệu trình. Trước và sau uống thuốc đều kî nước trà đặc. Sau 1 – 2 liệu trình hết triệu chứng ( Trần thúc Nhân, Tạp chí trung y Giang tô 1960,2:34).
  • Sử quân tử nhục, Đại hoàng, Hoàng cầm đều 6g, Thạch lựu bì, Binh lang đều 12g, Cam thảo 3g, tán bột mịn, mỗi lần uống 10g, trẻ em giảm liều.

10.3.Trị giun chui ống mật, đau bụng:

  • Sử quân tử, Binh lang, Chỉ xác, Khổ luyện bì đều 10g, Ô mai 3g, Quảng mộc hương 6g sắc uống.

10.4.Trị trùng roi đường ruột:Sử quân tử sao vàng, người lớn nhai, trẻ em tán bột cho uống. Liều lượng:

  • Trẻ <1 tuổi: 3g mỗi ngày chia 1 – 2 lần uống.
  • Trẻ 1 – 3 tuổi: ngày uống 5g.
  • Người lớn: ngày uống 1 lần 15g, liên tục 3 – 5 ngày.

Nếu chưa khỏi, cách 3 – 5 ngày uống lại 1 – 2 liệu trình. Theo dõi 7 ca, người lớn 3 ca uống 1 liệu trình khỏi. Trẻ em 4 ca, dùng 2 – 3 liệu trình khỏi ( Lưu cảnh Tụ, báo Trung y Giang tô 1964,10:16).

10.5.Trị chứng cam tích trẻ em do Tỳ hư:

  • Sử quân tử tán: Sử quân tử, Kha tử đều 10g, Trần bì 5g, Hậu phác 6g, Cam thảo 3g, sắc nước uống. Trị trẻ bụng đầy tiêu chảy biếng ăn.
  • Phì nhi hoàn: Sử quân tử, Mạch nha, Nhục đậu khấu đều 150g, Hoàng liên, Thần khúc đều 300g, Mộc hương 60g, Binh lang 20 hạt, tất cả tán bột mịn làm hoàn. Mỗi lần uống 3g, ngày 2 lần (dưới 1 tuổi giảm liều) uống với nước sôi ấm.
  • Thuốc cam giun bổ tỳ: dùng cho trẻ em kém ăn, xanh xao, gầy còm, bụng ỏng, miệng chảy nước nước bọt.

Nhân quả giun (sao vàng thơm giòn, tán bột) 20g, Thóc ngâm nẩy mầm (sao khô tán nhỏ) 20g, Đậu xanh nẩy mầm (sao vàng tán nhỏ) 10g. Cả ba vị trộn đều, sấy khô đựng vào lọ kín. Ngày uống 1 – 2 thìa cà phê bột trộn với cháo đường hay mật ong.

  • Thuốc Cam thác nghè (Thanh hóa): Sử quân tử (sao vàng) 3 phần, Bạch chỉ 5 phần, Hoàng cầm 2 phần, tất cả tán nhỏ, ngày uống 1 – 5 thìa cà phê chia 3 lần.