Thạch Xương Bồ là vị thuốc nổi tiếng trong Đông y với tác dụng khai khiếu, chủ trị các chứng thần kinh suy nhược, kém tiêu hóa, di chứng sau tai biến mạch máu não,…
1.Tên gọi: Xương bồ, Cửu tiết xương bồ, thủy xương bồ
2. Tên khoa học:
Thạch xương bồ: Acorus Gramineus Soland.
Thủy xương bồ: Acorus Calamus L.
3. Mô tả
Thạch xương bồ là một loại cỏ sống lâu năm, có thân rễ mọc ngang, đường kính ti bằng ngón tay, có nhiều đốt, trên có những sẹo lá. Lá mọc đứng nhìn dải, dài 30-50cm, rộng 2-6mm, chỉ có gân giữa. Hoa mọc thành bông mo ở đầu một cán dẹt dài 10-30cm, cán này được phủ bởi một lá bắc, lá bắc này dài 7-20cm, rộng từ 2-4mm vượt cao hơn cụm hoa rất nhiều, làm cho cụm hoa trông như lệch sang một bên, dài từ 5-12cm, đường kính 2-4mm. Quả mọng màu đỏ nhạt, một ngăn, có thành gần như khô.
Thủy xương bồ Acorus calamus cũng giống như thạch xương bồ nhưng to và cao hơn. Lá dài từ 50-150cm, rộng từ 6-30mm. Lá bắc của cán hoa so với loài trước cũng dài hơn, thường dài tới 45cm. Cụm hoa mọc thành bông mẫm, so với cụm hoa trên cũng to và ngắn hơn, thường dài 4-8cm, đường kính 6-12mm. Mùa hoa tháng 5-7, mùa quả tháng 6-8.
4. Phân bố, thu hái và bảo quản
Cây mọc ở những miền núi phía Bắc và Trung nước ta, thường ở những nơi khe đá, khe suối, chỗ mát.
Thu hái vào tháng 8-9, thu hái toàn cây, bỏ lá và rễ con, rửa sạch đất cát, phơi khô sử dụng.
bảo quan nơi khô ráo, dược liệu dễ bị mọt, cần kiểm tra thường xuyên.
5. Thành phần hóa học
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Thạch xương bồ chứa 0,5 – 0,8 lượng tinh dầu. Theo nghiên cứu, trong tinh dầu hoạt chất asaron chiếm khoảng 86%. Số còn lại là chất phenol và acid béo.
Theo sách Chinese herbal medicine
Chất Ahumulene, sekishone, Beta-asaron, asaron, caryophyllene là những thành phần hóa học chủ yếu của dược liệu.
6. Tác dụng dược lý
- Thuốc sắc, thuốc sắc khử dầu đều có tác dụng an thần, tinh dầu có tác dụng gây ngủ. Thuốc sắc còn có tác dụng chống co giật. Dầu bay hơi của Thạch xương bồ làm giảm vận động của chuột và làm giảm tác dụng kích thích của Ephedrin đối với hệ thần kinh trung ương. Thuốc sắc làm kéo dài tác dụng của thuốc barbiturate.
- Thuốc sắc và tinh dầu của thuốc đều có tác dụng làm giảm co thắt của cơ trơn dạ dày và ruột và làm tăng tiết đường tiêu hóa.
- Nước sắc của thuốc hạ chế sự lên men quá mạnh của đường tiêu hóa.
- Tinh dầu của thuốc có tác dụng hạ nhiệt đối với chuột trắng thí nghiệm.
- Dịch chiết xuất nồng độ cao của thuốc có tác dụng ức chế nấm gây bệnh ngoài da.
- Độc tính: liều lượng lớn của thuốc gây co giật ở chuột và dẫn đến chết.
7. Thạch xương bồ trong y học cổ truyền
Khí vị: Vị đắng cay rất ôn không độc
Quy kinh: Thủ Thái Âm Tâm, Túc Dương Minh Vị
Công năng: khai khiếu ninh thần, hóa thấp hòa vị
Chủ Trị: chứng thần khí hôn mê, hoảng loạn do đàm trọc bế tắc (đàm trọc mông tê), hay quên (kiện vong), ù tai, điếc tai (nhĩ minh, nhĩ lung), báng đầy do thấp (thấp trở bỉ mãn), lî, cấm khẩu.
“Chân tay thấp tê làm cho co duỗi được, bồi dán ung nhọt phát bối, tiêu được thống độc, hạ khí trừ buồn phiền, diệt cổ độc, khỏi nhọt lở, tiêu màng mắt, trừ phong ở đầu khai tâm phế, phát thanh âm, thông khiếu thêm trí khôn, chữa tại ù tai điếc, són đái đi tiểu luôn, đau bụng, chạy cuồng thì mau kiến hiệu, thải động muốn sinh thì yên được. Quý khí truyền nhiễm chết cứng thì giã tươi vắt lấy nước cho uống khỏi ngay, chứng tích nhiệt của ôn ngược không giải thì nấu nước Xương bồ cho đặc mà tắm gội. Dùng độc vị nấu với rượu chữa huyết hải hư hỏng và hậu sản ra huyết mãi không thôi, làm bột rắc vào giường nằm thì chữa mọi độc khắp mình. Những mụn lở không ngứa phát đau đều do khởi phát dương khí ra, cho nên ngoài thì đây đặn cả trăm đốt xương, vị cay thì đạt được ra bốn bên, chạy tới các khiếu, làm tan kết, cho thông lợi, là thuốc chủ yếu của hai kinh tâm và và tỳ. Lại nói: Bổ 5 tạng, uống lâu tăng tuổi thọ và nâng cao chí khí.”
Dược phẩm vậng yếu- Hải Thượng Lãn ông Y Tâm Lĩnh
Hợp dụng:
Mùi thơm lợi cho các khiếu, có thể làm tá cho những loại thuốc như Địa hoàng, Mạch đông, Thiên đông thì có khả năng điều hòa khí huyết
Ghét Ma hoàng
Kỵ Di đường, thịt dê, đồ dùng bằng sắt.
Tần giao làm sứ.
Kiêng kỵ:
Trường hợp âm huyết hư, tinh hoạt, ra mồ hôi nhiều cần thận trọng.
Vị này rất cay thơm, tuổi trẻ mà tâm khiếu bị vít lấp thì nên dùng, nếu tâm hư thần háo thì cấm.
Dùng nhiều, dùng độc vị thì có hại cho khí huyết về sau.
Liều lượng: 5 – 10g cho vào thuốc thang hoặc hoàn tán. Dùng ngoài lượng vừa đủ, tán bột đắp hoặc sắc rửa. Lượng tươi liều gấp đôi.
8. Ứng dụng lâm sàng
8.1.Trị động kinh: dùng chất chiết xuất của Thạch xương bồ Asrone trị 90 ca cơn động kinh lớn, người lớn mỗi lần 50mg, ngày 3 lần, trẻ em giảm liều, một liệu trình 1 tháng, theo dõi lâm sàng từ 3 tháng đến 2 năm, có kết quả 83,3% ( Trần kiến Gia, Thông báo dược học 1982,9:50). Một báo cáo khác của Trần Kiến Gia dùng Asarone chích bắp, lần đầu 20mg, trong 30 phút nếu còn tái phát chích 20mg nữa, trẻ em giảm liều, hoặc truyền tĩnh mạch (1 – 2mg/kg cân nặng cho vào dịch 10% glucoz). Đã cấp cứu 18 ca động kinh cơn liên tục, kết quả tốt 8 ca, có kết quả 10 ca, tỷ lệ kết quả 100% ( Tạp chí Trung y 1982,12:39).
8.2.Trị bệnh não do phổi: Chế dịch tiêm Thạch xương bồ (0,5% dung dịch tinh dầu).
- Thể nhẹ dùng 10ml cho vào 25% glucoz 20ml chích tĩnh mạch chậm, ngày 2 lần.
- Thể vừa, ngoài phương pháp trên cho thêm 10ml dung dịch này vào 5% glucoz 200-500ml nhỏ giọt tĩnh mạch ngày 1 lần.
- Thể nặng cho 20ml và nhỏ giọt tĩnh mạch, 5 – 7 ngày là một liệu trình.
Đã trị 279 ca, tỷ lệ có kết quả 74,97%, những triệu chứng chung về tinh thần như mất trí, ý thức lơ mơ hết nhanh, ho suyễn và tím tái cũng được cải thiện (Kim duy Nhạc, Kỷ yếu nghiên cứu Trung thành dược 1982,10:22).
8.3.Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: dùng viên Asarone 60mg, ngày uống 3 lần liên tục, 14 – 21 ngày là một liệu trình. Đã trị 148 ca viêm phế quản mạn tính và hen phế quản đạt kết quả tốt là 61,1% ( Dương Ngọc, Báo Tân dược và lâm sàng 1986,4:210).
8.4.Trị trẻ em trí lực phát triển kém: dùng Thạch xương bồ kết hợp với Nhân sâm, Viễn chí, Bổ cốt khí, Đậu khấu, sữa bột cacao, đường chế thành Bánh Dưỡng trí tăng lực trẻ em. Mỗi lần uống 10 – 15g, ngày 2 lần, 2 tuần là một liệu trình, thời gian điều trị 3 tháng. Đã trị 30 ca đều có cải thiện chức năng vỏ não, nâng cao tư duy và khả năng phân tích ( La Thiện Hoa và cộng sự. Kỷ yếu nghiên cứu Trung thành dược 1982,6:22).
8.5.Trị chứng hôn mê sốt cao do đàm mê tâm khiếu:
- Xương bồ uất kim phương: Thạch xương bồ tươi 3g, Uất kim 5g, Sơn chi (sao) 6g, Liên kiều 10g, Cúc hoa 5g, Hoạt thạch 12g, Trúc diệp 10g, Đơn bì 6g, Ngưu bàng tử 10g, Trúc lịch 10g, Gừng tươi (giã lấy nước) 6 giọt, Ngọc xu đơn (bột thành phẩm) 1,5g hòa uống. Sắc nước uống, bằng xông bao tử nếu cần.
- Xương dương tả tâm thang: Xương bồ, Hoàng cầm, Tô diệp, Hậu phác đều 6g, Phán Bán hạ, Trúc nhự, Tỳ bà diệp đều 10g, Lô căn 15g, Hoàng liên 3g, sắc uống.
8.6.Trị đau đầy vùng thượng vị do trúng hàn khí trệ:
- Thạch xương bồ, Mộc hương đều 6g, Chế hương phụ 12g, sắc uống, ngày 1 lần.
8.7.Trị cấm khẩu:
- Khai cấm tán: Nhân sâm 2g, Xuyên Hoàng liên 5g, Thạch xương bồ 6g, Thạch liên tử 12g, Đơn sâm 12g, Phục linh, Trần bì, Trần mễ, Hà diệp đế (cuống lá sen) đều 12g, Đông qua nhân 15g, sắc uống.