Bát Vị Quế Phụ

  Bài thuốc

Bát vị hoàn- Bát vị Quế Phụ

Thành phần bài thuốc Bát Vị Quế Phụ (Bát Vị Hoàn)

  • Thục địa 32g
  • Sơn thù 16g
  • Bạch linh 12g
  • Sơn dược 16g
  • Trạch tả 12g
  • Đơn bì 12g
  • Phụ tử chế 4g
  • Quế nhục 4g

Cách dùng: Có thể làm hoàn hoặc thành thang sắc uống

Làm hoàn: Theo tỷ lệ trên, tất cả tán bột mịn trộn đều luyện mật làm hoàn. Mỗi lần uống 8 – 12g. Ngày 1 – 2 lần, với nước ấm hoặc nước muối loãng.

Công dụng: Ôn bổ thận dương.

Chủ trị: Chữa chứng mệnh môn hoả suy, người gầy, khí kém, lưng gối đau lanh tiểu không lợi hoặc không kiềm chế được, ban đêm đi tiểu tiện nhiều lần.

  • Chứng thận dương hư suy, ho đờm nhiều, thuỷ thũng, đại tiện lỏng đi lâu ngày. Hiệu quả cao cho phái mạnh
  • Chứng bên trong thực hàn mà bên ngoài giả nhiệt.

Trương Trọng Cảnh nói: ” Bài này là thuốc thánh để chữa chứng thuỷ tràn lên thành đờm “.

Chu Đam Khê nói:” ốm lâu âm hoả bốc lên, tân dịch sinh ra đờm mà không sinh ra huyết. Bài thuốc này dẹp tướng hoả thời đờm tự tiêu đi ” .

Giải thích Bài Bát Vị Quế Phụ

Theo Hải Thượng Lãn Ông thì Trương Trọng Cảnh dựa theo tượng hình quẻ khảm ☵ đã nghĩ và lập ra bài thuốc này để bổ thuỷ và hoả. Ông viết: “Người ta sống bởi thuỷ hoả mà thận là gốc của thuỷ hoả”. Bài này kiêm cả công lẫn bổ, đầy đủ âm dương vì âm dương cùng gốc; không có dương thì âm không thể sinh sôi nảy nở được và không có âm thì dương không thể ” trương ” được . Người xưa cho rằng : ” Khéo bổ dương tốt phải trong âm cầu dương “.

Bát vị hoàn tức là Lục vị hoàn phối hợp với phụ tử, nhục quế ( tuy rằng Lục vị có từ Bát vị ). Ở đây phụ tử, nhục quế làm chủ; quế phụ là thuốc cay nhuận thể bổ hoá trong thuỷ, thuỷ hoả được nuôi dưỡng thì thận khi trở về nguyên cho Theo kinh dịch tức là 1 vạch ngang ( hào dương ) trong quẻ Khảm ☵ không có vạch “ngang” (hào dương ) ấy thì không thành quẻ khảm. Phụ tử là thuốc lưu thông các kinh mạch, tính chạy mà không giữ lại. Nhục quế giỏi nạp khí, dẫn hoả suy mô hư hoả quy nguyên tính nó giữ lại mà không chạy thích hợp với chứng bệnh một hoả suy mà hư hoả thượng phù, thận không nạp khí mà thở gấp và hạ tiêu hư hàn. Hai vị nhục quế và phụ tử chế đều khó khống chế, cần được Lục vị là thuốc thuần âm, vị hậu nhuận hạ, để khơi thông đưa đường rồi mới dẫn xuống thận.

Tiếp Lập Trai nói: “Chỉ quế phụ ở bài Bát vị thì có thể bổ thận, bài khác thì làm cho tuyên thông”. Trong phương bát vị, Trọng Cảnh dùng lục vị để chế ngự quế, phụ mà làm bền chặt thận dương vì không có âm thì dương không hoá được .

Hình ảnh Trận đồ bát vị Quế Phụ
Trận đồ Bát Vị Quế Phụ

Những phương thuốc thường phối hợp với Bát vị

  • Để giáng hoả phải tiêu hoàn Bát vị bằng nước muối loãng.
  • Để bổ tỳ phải tiêu bằng nước gạo rang.
  • Để dẫn thuốc mạnh phải tiêu bằng rượu.
  • Dùng nước lã đun sôi tiêu thuốc là để thuốc dẫn không nhanh không chậm.
  • Nếu sợ bài Bát vị dẫn hoả đi xuống quá mức gây ra ” thượng hư hạ thực ” thì sáng uống Bố trung ích khí, chiều uống Bát vị.
  • Nếu kèm tỳ vị hư hàn thì dùng nước sắc Lý trung thang để uống hoàn Bát vị.
  • Muốn củng cố tiên thiên kiêm bồi bổ cả hậu thiên thì dùng xen kẽ Bát vị với bài Quy tỳ.
  • Để sinh thêm dương khí thì dùng thuốc sắc nhân sâm sao gạo, uống nước hoàn Bát vị.
  • Muốn ích phế để sinh thân thì dùng nước sắc Sinh mạch thang uống với Bát vị hoàn

Kiêng kỵ khi sử dụng Bát Vị Quế Phụ

Dùng bài Bát vị kiêng các vị sau:

Nhân sâm và hoàng kỳ: 2 vị này ích khí, kiện tỳ khác với bài Bát vị là chạy về thận, nên không dùng chung được vì thuốc thận chạy về âm kinh, thuốc bổ khí chạy về dương phận, hai bên giằng giữ nhau không yên được chỗ, lại quấy rối kích động hư dương bốc lên không gì dẫn về kinh được.

Dùng hà thủ ô làm đầu vị thì bài thuốc hai vị quân biết theo bên nào được.

Bát vị đều có đủ cả âm dương khiến cho thuỷ hoả nung nấu mà thành khí huyết. Bạch truật kiện tỳ táo thấp, nếu thêm vào sẽ làm hao kém mất sức hun nấu.

Đương quy cay chạy vào phần dinh huyết, cay thì tán sẽ trái ngược với thu sáp tinh huyết của Sơn thù

Táo nhân là thuốc phần khí của thượng tiêu không phải là thuốc thích hợp với tinh huyết.

Kỷ tử, phúc bồn, liên nhục: 3 vị này tính chất trì hoãn, hễ thêm 1 vị nào thì làm giảm một phần công hiệu của bài Bát vị.

Bào khương, chích thảo là 2 vị thuốc chữa trung tiêu, không thể xuống được, 2 vị này tính ôn và nóng trái với tính mềm nhuận của thục địa .

Xuyên khung, đương quy, sinh khương, cam thảo là thuốc không dùng  với Bát vị.

Lãn Ông tuy có dùng bài Nhân sâm thang nhưng sắc riêng rồi đổ vào cùng uống hoặc nếu làm thang uống hoàn Bát vị.

Cách Gia Giảm bài Bát Vị Quế Phụ

Mạch bộ xích phải vị và tế, chân dương suy kém thì bội nhục quế, phụ tử

Mạch bộ xích trái hồng và sác, chân âm hư yếu thì bội thục địa.

Mạch bộ quan trái vô lực, khí của tạng can không đủ thì bội sơn thù .

Mạch bộ bên phải vô lực là khí tỳ vị hư yếu thì bội phục linh, trạch tả.

Tạng thận hư yếu không đem được nguyên khí về chỗ sinh đầy hơi, suyễn thở, nôn oẹ; phần thượng tiêu phiền nóng thì gia ngưu tất, ngũ vị.

Dương suy mà tinh kém gia lộc nhung, tử hà sa

Đàn ông dương sự yếu gia nhục dung, ba kích.

Âm dương đều hư, vừa nóng, vừa rét (không phải sốt rét) thì thêm sài hồ. Rét nhiều bội phụ tử, nhục quế; nóng nhiều bội đan bì; khát nhiều gia mạch môn, ngũ vị, ngưu tất .

Hư yếu lâu ngày mà bụng đau liên miên gia ngô thù du, tiểu hồi. Tỳ thận dương hư , ăn chậm tiêu và hay đi ỉa lỏng về sáng và và hay đi ỉa lỏng về sáng sớm thì gia thêm phá cố chỉ, thỏ ty tử.

Chân hoả hư suy, đờm dãi nhiều thì thục địa phải sao khô.

Trẻ em phát nhiệt đều bỏ nhục quế, phụ tử; khát nhiều gia mạch môn ngũ vị; có hư nhiệt thì bội đan bì và gia đương quy, thược dược.

Phụ nữ huyết khô, kinh bế, thống kinh trước kỳ, phiền khát, nóng cơn thì bỏ phụ tử, giảm nhục quế và trạch tả; gia thêm đương quy, bạch thược, đỗ trọng.

Các Bài thuốc biến đổi từ Bát Vị Quế Phụ (Bát Vị Hoàn)

Tế sinh thận khí hoàn: Tức là bài Bát vị hoàn gia ngưu tất, xa tiền.

  • Tác dụng: ôn dương, lợi thuỷ mạnh .
  • Điều trị: chứng dương hư thuỷ thũng, bụng đầy trướng, tay phù nề, tiểu không lợi.

Kim quỹ thận khi hoàn: Tức là bài Bát vị hoàn dùng quế chi thay nhục quế, can địa hoàng thay thục đia.

  • Tác dụng : đều là ôn bổ thận dương nhưng quế chi giỏi thông dương, tính của nó chạy mà không giữ lại, thích hợp với chứng thuỷ âm đình tụ, thuỷ thấp tràn lên, khí huyết ngưng trệ.
  • Điều trị: thuỷ thũng .

 Cô bản thập bổ hoàn: Tức là bài Bát vị hoàn gia đỗ trọng, ngưu tất, lộc nhung, ngũ vị tử. Tất cả tán bột luyện mật làm hoàn , uống lúc đói với nước muối loãng .

  • Tác dụng bổ thận, mạnh lưng gối.
  • Điều trị: người lớn, trẻ em có tỳ thận suy kém gây đau lưng, đau xương, ăn uống chậm tiêu.

Tráng dương cố bản hoàn: Tức là Bát vị gia lộc nhung, cao ban long, phá cố chỉ, ngũ vị tử, tử hà Sa. Tất cả sấy khô tán bột, hoà với cao ban long đun chảy với rượu làm hoàn, uống lúc đói với rượu hoặc nước sâm.

  • Tác dụng: bổ thận, tráng dương.
  • Điều trị: chữa người nguyên dương suy yếu.

Nhị diệu địa hoàng hoàn Tức là bài Bát vị giảm nhục quế rồi hợp bài Nhị diệu tán .

  • Tác dụng: bổ thận, trừ thấp nhiệt.
  • Điều trị : chữa người bị thấp nhiệt, đái đục, đái rắt.

Tư âm bát vị hoàn: Tức là bài Bát vị hoàn gia mạch môn, ngũ vị để bổ thận dương đồng thời tư âm, dưỡng phế .

Bồi dưỡng sinh tân thang : Tức là bài Bát vị gia phá cố chỉ, ngũ vị tử, mạch môn và bội nhục quế, phụ, hoài sơn, bạch linh.

  • Tác dụng: bổ thận, ích dương, sinh tân.
  • Điều trị chữa chứng thổ nhiều lần mất dương khí, tả nhiều làm mất âm huyết và hao tân dịch.

Bát vị ngô thù hoàn: Tức là bài Bát vị gia ngô thù (tẩm nước muối sao), phá cố chỉ.

  • Tác dụng: bổ thận, noãn can .
  • Điều trị : thận hư yếu sinh đau thắt ngực sườn .