I. Khái niệm
Âm hành cương lên khác thường, qua hàng vài giờ, vài ngày thậm chí cả tháng vẫn không mềm, tức như Chư bệnh nguyên hậu luận viết: “Âm hành dài cứng không suy”; Linh khu – Kinh cân thiên gọi là “Túng đĩnh bất thâu”. Linh khu- Kinh mạch thiên, Giáp ất kinh gọi là “Âm đĩnh trường”. Các sách Chư bệnh nguyên hậu luận, Thiên kim phương, Thế y đặc hiệu phương thì gọi là “Cường trung ”. Các sách y học cương mục, Loại chứng trị tài gọi là “Âm túng” “Âm túng bất thâu”. Sách Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc gọi là “Âm đĩnh”, “Hành cường”, “Hành cường bất nuy”, các sách Thạch thất bí lục, Bản thảo kinh sơ gọi là “Dương cường bất đảo”
II. Chứng hậu thường gặp
Cường dương không mềm do Can kinh thấp nhiệt: Có chứng dương vật cương lên khác thường qua vài ngày thậm chí vài tháng không mềm, dương vật ứ huyết sắc tía tối, trường đau, bài tiết tiểu tiện khó khăn và có cảm giác đau, sắc nước tiểu vàng đỏ. Người bệnh thường kèm theo cảm giác sợ hãi, ăn uống giảm sút, khát nước, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền hoặc kiêm Sác.
Cương dương không mềm do âm hư hoả vượng: Người bệnh vốn âm hư, thể trạng gầy còm, dương vật cường lên lạ thường, trường đau, vài ngày không mềm, bài tiết tiểu tiện khó khăn nước tiểu vàng, thậm chí tinh ra bất kỳ lúc nào, đại tiện bí kết, miệng khô, lưỡi đỏ, mạch Tế Sác.
III. Phân biệt
Chứng cường dương không mềm do Can kinh thấp nhiệt thì thể trạng vốn khoẻ mạnh, tính dục hưng phấn, nhập phòng dương vật vẫn cương lên lạ thường, qua vài ngày vẫn không mềm. Ngoài hiện tượng dương vật trướng đau, ứ huyết xanh tía, tiểu tiện khó khăn là những chứng trạng cục bộ, tất kiêm các chứng đắng miệng mà khát, đại tiện bí kết rêu lưỡi vàng mạch Huyền Sác có lực, như Linh khu- Kinh cân thiên viết: “Túc quyết âm Can bị tổn thương do nhiệt thì thòi ra không co lại” Linh khu- Kinh mạch thiên viết: “Thực thì thòi dài”, Loại chứng trị tài- Dương nuy thì viết: “Dương vật thòi ra không co lại là cân của Can bị nhiệt, cho uống Tiểu Sài hồ thang gia Hoàng bá sao rượu, hoặc Sài hồ thanh Can thang ”. Nếu do Can hoả mạnh quá, dương vật cương lên khác thường, đau kịch liệt, qua vài ngày thậm chí vài tháng không khỏi, điều trị nên tả hoả giải độc, có thể dùng Thạch cao, Tri mẫu, Huyền sâm, Sinh địa, Hắc đậu, Cam thảo (Loại chứng trị tài) hoặc dùng Long đởm tả Can thang đánh thẳng vào thực hoá ở Can kinh.
Cương dương không mềm do âm hư hoả vượng thì thể trạng vốn âm hư, lại do sắc dục quá độ, phòng thất bừa bãi dẫn đến Thận thủy sút kém, tướng hoả động sằng, cường dương không mềm, có lúc tự xuất tinh “hoặc do uống nhiều loại thuốc thăng dương khiến cho dương vượng mà âm suy, hoả thắng mà thủy cạn, tướng hoả không khống chế được khiến cho cường dương không mềm được” (Y lâm dắng mặc) tất kiêm các chứng trạng lưỡi hồng, miệng khô, táo bón, mạch Tế Sác vô lực, điều trị nên tự âm tả hoả dùng phương Thạch tử Tề ni thang.
Hai chứng nói trên, một là thực hoả, một là hư hoả; một là Can kinh thực nhiệt hữu dư như đắng miệng, rêu lưỡi vàng, mạch Huyền Sác có lực. Một là Thận tạng âm tinh bất túc như lưỡi hồng, miệng khô, tinh tự ra, mạch Tế Sác vô lực. Về điều trị, một là tả bỏ thực nhiệt hữu dư, một là tư âm giáng hoả, bổ âm để phối dương, nhưng chứng cường dương không mềm cuối cùng là chứng tà khí thực thuộc chứng Tiêu cấp, cho nên Bản thảo kinh sợ- Tục lệ thượng viết: “Dương cường không đảo thuộc Mệnh môn hoả thực cô dương vô âm gây nên, chứng này phần nhiều không chữa được, kỵ dùng thuốc bổ khí, ôn nhiệt nên dùng thuốc khổ hàn cam hàn và hàm hàn”, vì vậy điều trị chứng này rất kỵ thuốc ôn bổ.
Chứng cường dương không mềm, các sách Chư bệnh nguyên hậu luận, Thiên kim phương, Thế y đặc hiệu phương đều xếp vào môn Tiêu khát, bởi vì đời xưa phần nhiều thấy “do uống đan thạch” mà bị bệnh, ngoài triệu chứng cường dương lạ thường còn thấy chứng uống nước nhiều rõ rệt: Trường hợp uống đan thạch bây giờ ít có nhưng có thể ngẫu nhiên gặp người uống thuốc hóa chất ngộ độc, thường là rất khó chữa. Các y gia đời sau phần nhiều xếp chứng Cường dương không mềm vào các môn Thận bệnh và Di tinh, dương nuy, nhận định có liên quan đến tửu sắc quá độ. Đan Ba nguyên kiện cho rằng: “Tiêu khát với Cường dương là hai chứng khác nhau”. Sách Tạp bệnh quảng yếu cũng cho rằng ngoại thương vùng lưng xương chậu có thể tạo nên chứng cường dương không mềm.
IV. Trích dẫn y văn
Cường trung, phần nhiều do đam mê sắc dục và buông thả ăn uống, hoặc uống các loại đan thạch; chân khí đã thoát, khí thuốc phát sinh ngấm ngầm đến nỗi phiền khát uống nhiều, ăn uống bội thường, âm khí thường cương lên, không giao hợp mà xuất tinh. Cho nên Trung tiêu hư nhiệt dồn xuống Hạ tiêu, phạm vào trong Tam tiêu thì rất khó chữa (Thế y đặc hiệu phương- Tiêu khát ).
Ngọc hành cương cứng không mềm, tinh chẩy ra không ngừng, có lúc đau như kim châm, sờ vào thì đau, bệnh danh Cường trung là bệnh Thận bị trệ lậu, dùng Phỉ tử, Phá cố chỉ đều 1 lạng, tán bột, mỗi lần uống 3 tiền (Bản thảo cương mục- Phỉ điều- dẫn kỳ phương của Hạ Tử ích).
Cường dương không mềm đó là hư hoả bốc lên mà khí của Phế kim không giáng xuống dưới cho nên như thế. Nếu dùng Hoàng bá, Tri mẫu, hai vị này là Đảo dương, thang sắc lấy nước mà uống sẽ tiêu tán ngay. Nhưng sau khi được mềm trở lại, suốt đời không được làm chấn động mạnh, đó cũng là sự khổ sở, dùng phương huyền sâm 3 lạng, Nhục quế 3 phân, Mạch đông 3 lạng, sắc cho uống cũng mềm ngay, đó là biện pháp không muốn mềm mà tự nó mềm (Thạch thất bí lục- Nam trị pháp).
Bệnh này trước hết nên loại bỏ độc thấp nhiệt ở Quyết âm, kèm theo thuốc tiêu tan huyết mạch ứ nghẽn ở ngọc hành, cuối cùng phải đường huyết ích Thận mới có thể thu công (Âm hành bột khởi đích lâm sàng trị liệu hoà thể hội).
Lý Ngọc Lâm – Vương Dục Học