Di tinh là một bệnh ở nam giới, từ lâu đã được các thầy thuốc quan tâm và điều trị. Y học ngày càng phát triển song phương pháp điều trị Di tinh bằng y học cổ truyền vẫn được ưa chuộng.
I.Tổng quan
Tên gọi khác: Tinh tự hạ (Nội kinh- Thiên bản thần), Mộng thất tinh (Kim quỹ yếu lược), Mộng tiết tinh (Chư bệnh nguyên hậu luận), Mộng tiết (Thiên kim phương).
Khái niệm: Di tinh tức là không giao hợp mà tinh tự tiết ra.
Phân loại
- Mộng tinh: Di tinh khi ngủ mơ, bệnh thể nhẹ.
- Hoạt tinh: Di tinh khi không ngủ mở, bệnh thể nặng.
II. Nguyên nhân và điều trị di tinh
1.Di tinh do tinh khí tràn đầy:
Thân thể vốn khỏe mạnh, có mộng mà di, số lần nhiều hơn người bình thường, sau khi bị di tiết cảm thấy mỏi mệt rã rời, rêu lưỡi và mạch có thể bình thường.
Có thể không cần điều trị, nếu có điều trị thì theo phép thanh Tâm an thần, phương Thanh Tâm hoàn.
2. Di tinh do Tâm hỏa vượng thịnh
Triệu chứng: ban ngày thì hồi hộp không yên, ban đêm thì hay mê di tinh, dễ sợ chóng quên hoặc kiêm tiểu tiện vàng đỏ, đầu lưỡi đỏ, mạch Sác .
Nguyên nhân: lo nghĩ lâu ngày hại Tâm, hỏa nhiệt ở Tâm kinh ngùn ngụt, ban ngày thì Tâm thần hoảng hốt hồi hộp không yên, ban đêm thì mê ngủ phân vân, mộng di tiết tinh, kiêm các chứng trạng Tâm kinh hỏa nhiệt. Lúc đầu bị bệnh, hiện tượng hư chưa rõ lắm, thời gian lâu thì phải kiêm Tâm huyết bất túc, xuất hiện các chứng hồi hộp sợ hãi, dễ kinh hoảng, hay quên.
Điều trị
- Pháp: thanh Tâm tả hỏa, an thần sáp tỉnh
- Phương Nhị âm tiễn, Dưỡng Tâm thang, Thanh Tâm liên tử ẩm gia giảm. Nếu quá lâu ngày thì nên phối hợp với các vị dưỡng ẩm bổ huyết như Đương quy, Địa hoàng, Bạch thược, Thủ ô, A giao…
3. Di tinh do Tâm Tỳ đều hư:
Triệu chứng: Có chứng mộng dị nhiều lần, thể trạng gầy còm, mỏi mệt bơ phờ, sắc mặt trắng nhợt, động làm thì đoản hơi, tự ra mồ hôi, kém ăn, hồi hộp mất ngủ hay quên, môi nhợt miệng hòa, chất lưỡi trắng nhợt, mạch Tế Nhược.
Nguyên nhân: dụng Tâm quá sức, tích lũy tư lự lâu ngày, ngấm ngầm hao tổn Tâm Tỳ, phần nhiều phát sinh ở người lao động trí óc làm việc căng thẳng dồn dập kéo dài, thường hay mộng mà di. Sách Lục thị tam thế y nghiệm viết: “Vì tư lự thái quá, Tâm huyết hư thì không nuôi được thần mà Tâm thần trôi nổi vì thế mà có chuyện mộng giao. Thần không giữ gìn thì chí cũng không bền mà Thận tinh vì thế tiết xuống dưới ”
Điều trị:
Pháp: bổ ích Tâm Tỳ, ích khí cố tinh
Phương: Dưỡng Tâm thang, Định Tâm hoàn, Diệu hương tán gia giảm
4. Di tinh do Tâm Thận đều hư:
Triệu chứng:Phần nhiều có mộng mà di, lưng mỏi hoặc đau, tinh thần uể oải, hồi hộp mất ngủ hay quên. Nếu kiểm chứng tiểu tiện vàng, đại tiện khô, hư nhiệt mồ hôi trộm lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế mà Sác là Tâm huyết bất túc, Thận âm suy kém thuộc chứng Tâm Thận âm hư. Nếu kiểm chứng sắc mặt trắng nhợt, đoản hơi, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch Tế Nhược, đó là Tâm khí bất túc, Thận hư không bền (không có hiện tượng Thận âm, Thận Dương hư một phía là thuộc chứng Tâm Thận khí hư).
Nguyên nhân: dụng Tâm quá đáng, tích lũy tư lự kéo dài, đầu tiên thì hao thượng Tâm Tỳ ngấm ngầm, tiếp theo là cả ba tạng Tâm Tỳ Thận đều hư, biểu hiện chủ yếu là chứng Tâm Thận khí hư. Di tinh có mộng hay không mộng, Tâm khí hư thì hồi hộp, đoản hơi, tự ra mồ hôi, sắc mặt trắng nhợt, lưỡi nhạt, mạch Tế. Thận khí hư thì lưng gối yếu mỏi, thể trạng rã rời tinh thần uể oải, đoản hơi không đủ để thở, tai ù, tóc rụng thậm chí dương nuy.
Điều trị
- Pháp bổ ích Tâm Thận, chỉ di cố tinh.
- Phương Tang phiêu tán gia giảm.
5. Di tinh do tướng hỏa động sằng
Triệu chứng: dễ cường dương, có mộng mà di hoặc không mộng hoạt tiết. Khi mới bị bệnh thi đắng miệng tiểu tiện đỏ, rêu lưỡi vàng mạch Huyền Kính, đó là Can kinh hỏa nhiệt. Phát triển thêm, bước nữa thì biểu hiện âm hư bất túc, có các chứng khô miệng, lưỡi đỏ mạch Sác.
Nguyên nhân:Do Tâm hỏa vượng thịnh phát triển nặng thêm.
Điều trị:
- Pháp: tả Can hỏa
- Phương: Long đởm tả Can thang. Nếu kiêm âm hư hỏa vượng có các chứng miệng khô, lưỡi đỏ, mạch Tế Sác, điều trị nên tư âm giáng hỏa dùng phương Tư âm giáng hỏa thang.
6. Di tinh do thận khí không bền
Triệu chứng: không mộng mà di, thậm chí thoáng nghĩ đến tình dục hoặc hơi mệt nhọc một tý là hoạt di không tự chủ, có khi ngày đêm bị vài lần, thể trạng gầy còm mỏi mệt, đầu choáng tại ù, thân thể buồn bã, lưng gối đau mỏi yếu sức, đoản hơi không đủ để thở. Nếu là Thận dương hư, thì chân tay mát lạnh, sợ lạnh nằm co, mũi miệng phả ra hơi lạnh, lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế. Nếu là Thận âm hư, thì triều nhiệt xương nóng âm ỉ, mồ hôi trộm, gò má đỏ, đau họng, miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác vô lực.
Nguyên nhân: tiên thiện bất túc, phú bẩm suy yếu lại phòng thất sắc dục thái quá; hoặc sau khi ốm nặng, ốm lâu mới khỏi mà phạm vào sắc dục gây nên.
Điều trị:
- Thể trạng gầy còm khí yếu, lưng mỏi đau, chân tay rã rời hễ động làm thì không đủ hơi để thở, tự ra mồ hôi, tai ù đầu choáng, tinh thần ủy mị, mạch Trầm Tế Nhược Vi Điều trị nên cố Thận sáp tinh, dùng phương Kim tỏa cố tinh hoàn gia giảm, bệnh nặng thì nên bổ Thận điều tinh, tư âm bổ dương, dùng phương Đại tạo hoàn gia giảm.
- Nếu Thận âm bất túc thì tinh hoạt vô độ, tinh lạnh, tinh loãng chân tay mát sợ lạnh, nằm co, tinh thần mệt mỏi, hơi thở ở miệng mũi lạnh, mỗi nhợt miệng hòa, lưỡi nhạt nhuận bịu, sáu bộ mạch Trầm Tế muốn tuyệt, xuất hiện hàng loạt triệu chứng dương hư bất túc, điều trị nên ôn bổ Thận dương, chỉ di sáp tinh, dùng các phương Gia phỉ tử hoàn, Lộc nhung ích tinh hoàn, Kim tỏa chính nguyên đan gia giảm.
- Nếu Thận thủy bất túc, chân âm khuy tổn thì vô cớ mà hoạt tinh không tự chủ, triều nhiệt xương nóng âm ỉ, hư phiền mất ngủ, ngũ Tâm phiền nhiệt, xương mềm yếu, thể trạng khô khan, lưng đùi đau mỏi, gò má hồng mặt đỏ, khô miệng đau họng, tiểu tiện đỏ, đại tiện khô, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Tế Sác vô lực.Điều trị nên tư Thận âm, giáng hư hỏa nói là Làm mạnh cái chủ của thủy để chế dương quang”, dùng các phương Lục vị địa hoàng hoàn, Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm. Bệnh nặng thì dùng Đại bổ âm hoàn.
7. Di tinh do thấp nhiệt dồn xuống:
Triệu chứng: Phần nhiều có chứng mộng di tinh, cũng có khi không mộng mà hoạt tinh, có lúc phiền nhiệt. Bộ phận sinh dục ẩm ướt hoặc ngứa, tiểu tiện vàng đỏ, rêu lưỡi dày hoặc vàng, mạch Hoạt hoặc Sác.
Nguyên nhân: Vì ăn uống các thức nồng hậu thái quá , “Tỳ Vị thấp nhiệt, khí hóa không trong lành, mà dồn xuống bàng quang Âm hỏa một khi động, tinh sẽ theo ra, trường hợp này không phải đợi mộng mà tự di” (Trương thị tôn sinh thư ) hoặc có khi mộng mà tiết ra. Vì Tỳ Vị yếu mà Bàng quang có thấp nhiệt cho nên rêu lưỡi vàng hoặc dầy mà tiểu tiện vàng đỏ, Diệp Thiên Sĩ từng nói: “Chứng di hoạt mà dùng thuốc bổ sáp vô hiệu phần nhiều do Tỳ Vị thấp nhiệt xâm lấn (Trung y lâm sàng kinh nghiệm giới thiệu).
Điều trị
- Pháp trừ thấp kiện Tỳ, thăng thanh giáng trọc mà di tinh tự ngưng.
- Phương Gia vị Xương Bạch nhị trấn thang, Vu căn bạch bì hoàn gia giảm.
III. Kết luận
Đại để chứng Di tinh “Biến hóa tuy nhiều nhưng không ra ngoài phạm vi ba loại mộng, không mộng và thấp nhiệt mà thôi ” ( Lâm chứng chỉ nam y án ). Còn phương pháp điều trị “Chẳng qua chia ra có hỏa hay không có hỏa, hai đầu mối hư thực mà thôi”. Nếu có mộng thì trách cứ cái tướng hỏa quá mạnh, nên thanh cái hỏa ở Tâm Can, bệnh sẽ khỏi dần. Nếu không có mộng thì hoàn toàn do Thận hư không bền, lại nên tập trung vào bổ sáp để củng cố cái thoát” (Thành phương tiện độc). Nếu do thấp nhiệt gây nên, lại nên thanh lợi bổ thấp nhiệt. Đây là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tâm lý của phái mạnh. Xem thêm TẠI ĐÂY
IV. Tham khảo y văn
Nghĩ như người bị mất tinh, Thiếu phúc căng gấp, quy đầu lạnh, hoa mắt, tóc rụng, mạch Khâu Trì cực hư…Quế chi long cốt mẫu lệ thang chủ chữa bệnh ấy (Kim quỹ yếu lược – Huyết ứ hư lao ).
Bệnh tiết tinh không kiềm chế được, đầu choáng tự ra mồ hôi, hư cực, hoặc hàn hoặc nhiệt, dùng thuốc bổ sáp vô hiệu, mạch Phù Nhuyễn mà Tán. Bởi vì không hẳn là hư, cũng không phải là phòng thất quá mức; Không gì khác là tất có nguyên nhân vương vấn, Tâm có sự băn khoăn, ý có niềm vui, lòng dục bùng lên lại không toại nguyện dẫn bệnh này. Đã dùng thuốc bổ và củng cố mà vô hiệu thì chạy chữa như thế nào? Lý do là Tâm có cái đoán nhận nên thần không quay về, ý có mơ tưởng thì chí không yên. Trước hết nên hòa Vinh Vệ, Vinh Vệ hòa thì Tâm yên, tiếp theo điều hòa Tỳ, Tỳ khí hòa thì nơi ở của chí ổn định, Tâm Thận giao cấu, tinh thần giữ ở trong thì bệnh tự khỏi ” (Thế y đặc hiệu phương).
Chứng Di tinh có chín loại. Có trường hợp nghĩ đến sinh lý nhiều quá mà mộng, đó là cái thần động đến tinh, nguyên nhân từ Tâm. Có trường hợp không đạt được ham muốn mà mộng, đó là tinh bị mất vị trí, nguyên nhân ở Thận. Có trường hợp gặp mệt nhọc mà bị di, đó là sức gân không thắng được, nguyên nhân do Can Tỳ khí yếu. Có trường hợp Tâm tự dốc sức thái quá mà bị di, đó là trung khí bất túc, nguyên nhân do Tâm Tỳ hư hãm. Có trường hợp do thấp nhiệt dồn xuống hoặc tướng hỏa động sằng mà bị di, đó là hỏa ở Tỳ Thận không trong lành. Có trường hợp vô cớ mà tinh hoạt không tự chủ, đó là hạ nguyên bị hư, Phế Thận không bền. Có trường hợp phú bẩm bất túc mà tình dễ hoạt, đó là khí của tiên thiên mỏng manh. Có trường hợp dùng thang thuốc lạnh và lợi, đến nỗi nguyên dương thất thủ mà hoạt tiết, đó là do ngộ độc thuốc gây nên. Có trường hợp ít tuổi khí thịnh lâu ngày kiềm chế phòng dục mà bị di, đó là do tinh đầy mà bị di… cái rút đi tự nó rút đi, cái sinh ra tự nó sinh ra, đấy là tình thế tự nhiên, vốn mang ý tứ không đầy đủ (Cảnh nhạc toàn thư – Tạp chứng mố).
Những y thư sau này có ngụ ý nói rằng có mộng mà di, trách cứ Tâm hỏa. Không mộng mà di, trách cứ Thận hư. Hai lời nói này thật là toát yếu. Theo kinh nghiệm của tôi có mộng hay không mộng cũng đều là hư… cho nên điều trị chứng này, chỉ có hai loại thấp nhiệt và uất trệ, chớ có điều trị theo hư, mà hai loại này lại chia hai loại khác nữa. Thấp nhiệt vì dùng Khúc bá, nên dùng Đoan bản hoàn. Thấp nhiệt vì dùng cao lương, nên dùng Trư đỗ hoàn. Uất trệ do tích đàm, nên dùng Cổn đờm hoàn, Thần khung hoàn. Uất trệ do phục hỏa, nên dùng Tư Thận hoàn, Trư linh hoàn (Cổ kim y án – Di tinh ).