Dâm Dương Hoắc

  Thuốc bắc, Thuốc nam

Được ví như Viagra tự nhiên, Dâm dương hoắc là một loại thảo mộc rất tốt cho “chuyện ấy”, song nó cũng có nhiều tác dụng không mong muốn, thậm chí là vô sinh. Hãy cùng tìm hiểu kỹ về loài cây này trong bài viết dưới đây.

Hình ảnh cây dâm dương hoắc
Cây Dâm dương hoắc

1. Tên gọi khác: Tiên linh tỳ ( 仙灵脾 ), Dâm dương hoắc ( 淫羊藿 ), Cương Tiền,…

2. Tên khoa học: các cây thuộc chi Epimadium họ Hoàng Liên Gai (Berbridaceae).

3. Mô tả:

Cây dâm dương hoắc là một cây thân thảo, rỗng trong, cao khoảng từ 50– 80 cm. Lá mọc trên ngọn cây, mỏng như giấy. Hoa trắng, tím, cánh hoa dài. Cuống hoa dài, mảnh màu đen. Có 3 loại được dùng làm thuốc:

  • Dâm Dương hoắc lá to (Epimedium macranthum Morr et Decne) Lá dạng trứng, hình tim, dài khoảng 12cm, rộng khoảng 10cm, đầu nhọn, mép lá có răng cưa nhỏ nhọn như gai, mặt lá mầu xanh vàng nhẵn, mặt dưới màu xanh xám, gân chính và gân nhỏ đều nổi hằn lên.
  • Dâm Dương Hoắc Lá Hình Tim (Epimedium brevicornu Maxim): Lá hình tim tròn, dài khoảng 5cm, rộng 6cm, đầu hơi nhọn.
  • Dâm Dương Hoắc Lá Mác (Epimedium sagittum (Sieb et Zucc.) Maxim): Lá hình trứng dài, dạng mũi tên, dài khoảng 14cm, rộng 5cm, đầu lá hơi nhọn như gai, gốc lá hình tên

4. Bộ phận dùng: Lá, đôi khi dùng toàn cây.

5. Phân bố và thu hái

Ở Việt Nam: ở tại các vùng núi cao vùng Tây Bắc, đặc biệt là ở Hòa Bình, Sapa

Ở Trung Quốc: ở miền rừng núi và có rất nhiều ở vùng có khí hậu ôn đới.

Thu hái vào mùa hè hoặc đầu thu.

6. Bào chế và bảo quản

Cách 1: bỏ gai xung quanh mép lá, cắt thành mảnh to, bỏ vụn là dùng được.

Cách 2: Rửa sạch, xắt nhỏ, phơi khô, sao qua. Có thể tẩm qua rượu rồi sao qua càng tốt.

Làm Chích Dâm dương hoắc: Dùng rễ và lá, cắt hết gai chung quanh rồi dùng mỡ dê, đun cho chảy ra, gạn sạch cặn. Cho Dâm dương hoắc vào, sao qua cho mỡ hút hết vào lá, lấy ra ngay, để nguội là được (Cứ 10kg lá dùng 4kg mỡ Dê)

Hình ảnh Dâm dương hoắc
Dược liệu Dâm dương hoắc

Bảo quản: Đậy kín để nơi khô ráo, tránh ẩm và làm vụn nát.

7. Thành phần hóa học

Icariin, benzene, steroid, tanin, palmitic acid, linolenic acid, oleic acid, vitamin A.

8. Tác dụng dược lý

Kích tố nam: uống cao Dâm dương hoắc có kích thích xuất tinh (tác dụng của lá và rễ mạnh, còn quả yếu hơn, thân cây kém).

Hạ áp: Có tác dụng hạ áp, tăng lưu lượng máu của động mạch vành, dãn mạch ngoại vi, tăng lưu lượng máu đầu chi, cải thiện vi tuần hoàn, làm dãn mạch máu não, tăng lưu lượng máu ở não. Đồng thời hạ lipid huyết, hạ đường huyết.

Tác dụng kháng virus: nước sắc của thuốc có tác dụng ức chế mạnh virus bại liệt các loại I, II, III và sabin I ( theo bài: Tác dụng của Trung dược đối với virus đường ruột và virus bại liệt đăng trên Tạp chí Trung hoa y học, 50(8):521-524, 1964).

Tác dụng lên hệ bài tiết: Lợi tiểu với liều lượng thấp, ngược lại, lượng nhiều chống lợi tiểu.

Tác dụng lên hệ miễn dịch: Thuốc có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể và tác dụng song phương điều tiết.

Kháng khuẩn chống viêm: tác dụng ức chế đối với tụ cầu khuẩn trắng, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, dung dịch 1%, có tác dụng ức chế trực khuẩn lao. Cho thỏ uống thuốc với nồng độ 15mg/kg cân nặng, nhận thấy thuốc có tác dụng kháng histamin.

9. Dâm dương hoắc trong y học cổ truyền

Khí vị: Cay, ngọt, ấm.

Quy kinh: túc Thiếu âm Thận, túc Quyết âm Can, thủ Dương minh Đại trường, túc Dương minh Vị.

Công năng: Bổ thận, tráng dương, khứ phong hàn thấp, bổ âm dương, khứ phong, trừ thấp, cường chí.

Chủ trị:

Trị lãnh phong, lao khí, nam giới tuyệt dương bất khởi, nữ tử tuyệt âm vô tử, gân cơ co rút, tay chân tê, người lớn tuổi bị choáng váng, trung niên hay bị quên.

Trị liệt dương, tiểu buốt, gân cơ co rút, liệt nửa người, lưng gối không có sức, phong thấp đau nhức, tay chân tê dại 

Hợp dụng:

  • Thự dư (Hoài sơn) và Tử chi (nấm màu tím trên cây lim xanh) làm sứ cho Dâm dương hoắc.
  • Có thể phối Dâm dương hoắc với thuốc bổ dương như: Bạch tật lê, Cam câu kỷ, Nhục thung dung, Ngũ vị tử, Ngưu tất, Sơn thù du…
  • Phối hợp với Sâm cau, ba kích và nấm ngọc cẩu sẽ giúp nâng cao khả năng bổ thận tráng dương, tăng cường năng lực tình dục, phòng chống liệt dương và di mộng tinh.
  • Phối hợp với tử thạch anh để làm ấm tử cung, phòng chống tích cực các chứng bệnh ở phụ nữ như thống kinh, bế kinh, băng huyết, rong kinh, khó thụ thai do thận dương hư suy.
  • Phối hợp với uy linh tiên để tăng cường khả năng khu phong trừ thấp, phòng chống hữu hiệu chứng khớp do hư lạnh…..

Kiêng kỵ:

Tướng hỏa dễ động, dương vật dễ cương, di mộng tinh, tiểu đỏ, miệng khô,xung huyết não, Âm hư.

Lưu ý:

Tác dụng phụ của Dâm dương hoắc: váng đầu, nôn mửa, miệng khô, chảy máu mũi,…

Dùng lâu Dâm dương hoắc gây vô sinh.

Giải thích cho điều này, Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển viết: “Có người uống Dâm dương hoắc mà chẳng sinh con là vì sao? – Vị này không phải là thuốc bổ chân nguyên, nó chỉ trị cho những người dương hư âm bại, kích thích tình dục, những người dục vọng quá mạnh, giao hợp không điều độ làm cho hư, tinh khí không đầy đủ nên không sinh được con cái là lẽ tất nhiên, chỉ những người dương nuy âm bại, tạm dùng cho nó mạnh lên, vì thế cổ nhân nói là “uống Dâm dương hoắc lâu ngày sẽ không có con” .

Liều dùng: 8 -16g, sắc, ngâm rượu, nấu cao hoặc làm thuốc hoàn tán.

10. Ứng dụng lâm sàng

1.Trị liệt dương:

Dâm dương hoắc 9g, Thổ đinh quế 24g, Hoàng hoa viễn chí (tươi) 30g, Kim anh tử tươi 60g, Sắc uống (Phúc Kiến Dược Vật Chí).

Dâm dương hoắc 40g, Tiên mao 20g, sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

2. Trị liệt dương, bán thân bất toại: Dâm dương hoắc 1 cân, rượu ngon 10 cân. Ngâm 1 tháng. Mỗi lần uống 20ml, ngày 2 lần (Dâm Dương Hoắc Tửu – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

3. Trị liệt dương tiểu nhiều lần: Dâm dương hoắc 20g, Thục địa 40g, Cửu thái tử 20g, Lộc giác sương 20g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

4. Trị thận hư, dương nuy (bao gồm liệt dương, di tinh tảo tiết), phụ nữ vô sinh: Dâm dương hoắc 40g, ngâm vào 500ml rượu gạo hoặc nếp, 20 ngày sau đem ra uống mỗi lần 10-20ml, ngày 2-3 lần trước bữa ăn. Hoặc dùng ruợu cồn Dâm dương hoắc 20% (tức Dâm dương hoắc ngâm cồn), ngày uống 3 lần, mỗi lần 5ml trước bữa ăn.

5. Trị đau nhức khớp do phong thấp hoặc hàn thấp, tay chân co quắp, tê dại: Tiên linh tỳ 20g,Uy linh tiên 12g, Thương nhĩ tử, Quế chi, Xuyên khung mỗi thứ 8g. Sắc uống (Tiên Linh Tỳ Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

6. Trị phong đau nhức, đau không nhất định: Tiên linh tỳ, Uy linh tiên, Xuyên khung, Quế tâm, Thương nhĩ tử đều 40g. Tán nhuyễn. Mỗi lần uống 4g với rượu ấm (Tiên Linh Tỳ Tán – Thánh Huệ Phương).

7. Trị phong gây đau nhức, đi lại khó khăn: Tiên linh tỳ, Gia tử căn đều 2 cân, Đậu đen 2 thăng. Nấu với 3 dấu nước còn 1 đấu, bỏ bã, sắc còn 5 thăng, uống (Tiên Linh Tỳ Tiễn – Thánh Huệ Phương).

8. Trị ho do tam tiêu, đầy bụng, không ăn được, khí nghịch: Dùng Dâm dương hoắc, Ngũ vị tử. 2 vị bằng nhau, tán bột, luyện viên với mật to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên với nước gừng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

9. Trị cao huyết áp:

Chỉ định chủ yếu đối với thể âm dương đều hư: dùng bài Nhị Tiên Thang: Tiên mao 16g, Tiên linh tỳ 16g, Đương quy 12g, Ba kích 12g, Hoàng bá 12g,

Tri mẫu 12g, sắc uống. Bài thuốc dùng tốt đối với huyết áp cao, thời kỳ tiền mãn kinh và kết quả theo dõi lâm sàng nhận thấy kết quả lâu dài của thuốc là tốt (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

10. Trị răng đau: Tiên linh tỳ, nhiều ít tùy dùng, sắc lấy nước ngậm (Cố Nha Tán – Kỳ Hiệu Lương Phương).

11. Trị mắt thanh manh, sau khi bệnh, chỉ nhìn được gần: Dâm dương hoắc 40g, Đạm đậu xị100 hạt, sắc với 1 chén rưỡi nước còn một chén (Bách Nhất Tuyển Phương).

12. Trị trẻ nhỏ bị quáng gà: Dâm dương hoắc, Văn cương nga, mỗi thứ 20g, chích Cam thảo, Xạ can mỗi thứ 10g, tán bột. Gan dê 1 cái, rạch thành nhiều rãnh, mỗi lần lấy 8g thuốc nhét vào, buộc lại, lấy Đậu đen 1 chén,nấu ra nước 1 chén, rồi sắc, chia làm 2 lần ăn, và uống hết nước (Phổ Tế Phương).

13. Trị đậu sởi nhập vào mắt: Dâm dương hoắc, Uy linh tiên, 2 vị bằng nhau, tán bột,mỗi lần uống 2g với nước cơm (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).