Rết

  Động vật

Rết là loài động vật thường gặp trong cuộc sống, đôi khi chúng còn gây chúng ta cảm giác sợ hãi về hình thù và nọc độc của chúng, tuy nhiên loài vật này được sử dụng rất phổ biến trong y học để điều trị các bệnh như co giật, trúng độc,… và đang được nghiên cứu trong điều trị ung thư.

Hình cảnh Con rết
Rết

1. Tên gọi khác: Rít, ngô công, bách túc trùng, Thiên long, Tức thư, Bá cước, 蜈蚣 .

2. Tên khoa học: Scolopendra morsitans L Họ khoa học: Scolopendridae

3. Mô tả: Rết trưởng thành có thể đạt chiều dài đến 20 cm. Thân rết thông thường có màu đỏ hoặc nâu đỏ, chân màu vàng hoặc vàng cam. Thân rết có 21 đốt, mỗi đốt có một cặp chân. Trên đầu có một cặp chân, kèm một cặp râu. Cặp chân này có móng sắc nhọn nối với tuyến nọc độc, đây là công cụ chính để giết chết con mồi hoặc để tự vệ.

4. Thu bắt: rết ban ngày ẩn náu ở nơi ẩm ướt, dưới đá trong một đống lá hoặc đất theo các đồ dùng mục nát. Thời gian thu bắt vào tháng 4-6 thời điểm này rết đã trưởng thành và đến độ có thể sử dụng. Ngoài ra, vào mùa đông người ta đào hố cho xương gà, lông gà xuống để rết mẹ tìm vào đẻ trứng tới mùa xuân thì bắt.

5. Bào chế: Sau khi bắt được, buộc rết thẳng vào một thanh tre, phơi khô. Hoặc dội nước sôi qua sau đó làm khô.

Dùng sống: Toàn con bỏ đầu chân.

Nướng lửa: Bỏ chân, tẩm rượu, nướng lửa nhỏ.

6. Mô tả dược liệu: Rết khô dài từ 7-15cm, loại tốt có đầu vàng, lưng đen, chân bụng đỏ vàng

Hình ảnh rết làm thuốc
Rết sau khi bào chế

5. Thành phần hóa học chính:

Toàn con Rết có 2 loại nọc độc giống histamin và chất protid tán huyết. Ngoài ra còn có acid amin, delta-hydroxylysine taurin, dầu mỡ, cholesterol.

6.Tác dụng dược lý:

  • Chống co giật
  • Ức chế với mức độ khác nhau với trực khuẩn lao và vi khuẩn trên da
  • Kháng và phòng hoạt tính ung thư
  • Tiêu sưng độc

7. Con rết trong y học cổ truyền

Khí vị: Cay, ấm, có độc.

Quy kinh: Túc Quyết âm Can.

Công năng: bình can tức phong chỉ kinh, giải độc tán kết, thông kinh hoạt lạc, chỉ thống, tiêu viêm.

Chủ trị: Kinh phong, trúng phong, phong đòn đánh, phong thấp tý thống, thủ thống, loa lịch ác sang, sang độc, rắn cắn.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, người dễ dị ứng, thiếu máu, thể trạng gầy yếu.

Liều dùng: 1-3g dạng bột.

8. Ứng dụng lâm sàng

1. Trẻ em co giật, quấy khóc: Tán bột Ngô công (con rết), Toàn yết (con bọ cạp), Chu sa lượng bằng nhau, mỗi lần uống 0,5 – 1,5g với nước ấm.

2. Ưốn ván: dùng bài “Ngô công tán”: Ngô công, Chế Nam tinh, Phòng phong, Bong bóng cá lượng bằng nhau tán bột mịn, mỗi lần uống 2 – 4g với rượu.

Khương hoạt, Xuyên khung, Đại hoàng, Bán hạ, Phòng phong, Chế Xuyên ô, Cương tàm, Chế Nam tinh, Bạch chỉ đều 10g, Ngô công 3 con, Xác ve 10g, Bạch phụ tử 12g, Toàn yết 10g, Thiên ma 10g, Cam thảo 10g, mỗi thang sắc còn 600ml.

3.Trị liệt thần kinh mặt, đau nhức tê thấp, trẻ em cấm khẩu không bú được: Ngô công 1 con (1 – 2g rết khô), Cam thảo 3g tán bột mịn uống với nước sôi nguội. Trị liệt dây thần kinh mặt. Có kinh nghiệm dùng rết khô bỏ đầu chân tán bột mịn trộn với lượng tương đương bột Cam thảo hồ làm viên. Mỗi lần uống 0,5g, ngày uống 3 lần.

4. Mụn nhọt

Dầu rết: Rết sống 8 phần, muối ăn 2 phần, ngâm vào dầu vừng (mè) trong 2 tuần, lấy dầu bôi mụn lở, trị trẻ em chốc đầu, bôi trị rắn cắn.

Cả con rết ngâm rượu 90độ bôi mụn nhọt.

Ngô công sống 2 con, ngâm vào cồn 75% 500ml, gia thêm Hồng hoa trong 7 ngày, lấy bôi lên vùng sưng tấy, theo dõi 600 ca kết quả tốt (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1988,9:566).

5. Trị hạch lâm ba hàm mặt:  Ngô công sao vàng tán bột mịn, người lớn uống 3 – 9g, trẻ em giảm liều, thuốc sắc uống. Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Hữu nghị Bắc kinh đã theo dõi 226 ca có kết quả nhất định (Tạp chí Thầy thuốc chân đất 1979,10:16).

6. Trị lao khớp: dùng bài “Kết hạch tán”: Ngô công 6g, Toàn yết 9g, Thổ miết (yếm ba ba) 9g, tán bột mịn, mỗi lần uống 3g chưng với trứng gà.

5.Trị ung thư:Ngô công tán bột, mỗi lần uống 1,5 – 3g, chưng với trứng gà. Trị ung thư gan sưng đau.

Ngô công 20 con, Hồng hoa 6g, rượu trắng 60 độ 500ml, ngâm 26 ngày uống với nước sôi nguội (tỷ lệ 6:4) hòa loãng. Trị ung thư dạ dày, thực quản.

9. Trúng độc rết (do dùng quá liều hay bị rết cắn)

Ở một lượng thích hợp, rết có thể làm hưng phấn cơ tim, thúc đẩy quá trình tuần hoàn, nhưng nếu dùng lượng lớn gây tan huyết, choáng dị ứng, liệt cơ tim, ức chế trung khu thần kinh hô hấp.

Triệu chứng trúng độc rết: nôn, buồn nôn, đau bụng tiêu chảy, mỏi toàn thân mạch chậm, hồi hộp, khó thở, thân nhiệt, huyết áp hạ, hôn mê.

Phương pháp giải độc rết:

  • Phượng vĩ thảo, Kim ngân hoa đều 100g, Cam thảo 20g, sắc uống chia 2 lần cách 4 giờ 1 lần, ngày uống 2 thang.
  • Mạch chậm khó thở cho thang: Nhân sâm, Phụ tử, Ngũ vị tử, Cam thảo đều 10g, sắc uống chia 2 lần uống, 4 giờ uống 1 lần, 2 thang/ 1 ngày.
  • Có hiện tượng dị ứng dùng thuốc tây kháng histamin, thuốc an thần, nặng cho Hydrococtisone.